Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

California bên bờ vực phá sản?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

California bên bờ vực phá sản?

Thống đốc Arnold Schwarzenegger khó thuyết phục thông qua biện pháp tăng thuế.

(TBKTSG Online) – Thâm hụt ngân sách của tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ sẽ lên đến 40 tỉ đô la. Và ngay từ đầu tháng 2, sẽ xuất hiện vấn đề thanh khoản, trong khi biện pháp tăng thuế rất khó được thông qua.

Cứ mỗi giây, bảng điện tử đặt gần văn phòng thống đốc bang California lại thông báo thâm hụt ngân sách tăng 500 đô la. Người ta cho biết “chiếc đồng hồ thâm hụt ngân sách” này sẽ nhanh chóng nhảy lên con số 40 tỉ đô la, do California là bang bị ảnh hưởng suy thoái nặng nhất và có thể mất khả năng thanh toán ngay từ đầu tháng 2.

Thậm chí chính quyền địa phương khẳng định rằng “khủng hoảng ngân sách đã đặt bang chúng ta bên bờ vực thảm họa”.

California là bang giàu nhất và đông dân nhất nước Mỹ. Nếu tính riêng biệt, lãnh thổ này có diện tích rộng bằng nước Ý – với 36,5 triệu dân – sẽ đứng hàng thứ tám thế giới về kinh tế. Nhưng từ nhiều tháng qua, thống đốc Arnold Schwarzenegger và các nghị sĩ của bang đối đầu nhau về vấn đề tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, theo L’Express. 

Nay tình hình càng nghiêm trọng hơn khi phòng ngân sách của bang cảnh báo có khả năng thiếu hụt thanh khoản ngay từ đầu tháng 2. Người phụ trách, ông John Chiang, đã quyết định không hoàn thuế và các khoản học bổng có khả năng không được thanh toán. Ngay cả giờ mở cửa làm việc của công sở cũng bị rút ngắn.

Cuối tháng 12-2008, thống đốc bang thông báo đã ký một sắc lệnh dự kiến hai ngày nghỉ không hưởng lương mỗi tháng đối với các nhân viên. Và ông cũng nhắc đến việc giảm lương, thậm chí sa thải.

Để tìm cách ngăn chặn tình trạng này và hệ quả của suy thoái làm cạn kiệt nguồn thu mà đồng thời không giảm những chi tiêu cố định, thống đốc bang đề nghị tăng thuế, trong đó dự kiến tăng tạm thời thuế giá trị gia tăng. Nhưng ở Mỹ cần phải có 2/3 số phiếu đồng thuận mới thông qua được một sắc luật như vậy.

“Thực tế là bang chúng ta đang bất lực chừng nào chúng ta chưa giải quyết được khủng hoảng ngân sách”, ông Schwarzenegger nói. 

Theo bà Jean Ross, giám đốc nhóm ý tưởng độc lập California Budget Project, nguyên tắc hai phần ba số phiếu đồng thuận đã ngăn không cho California đảm bảo được nguồn thu đủ để đối phó khủng hoảng. Bà khẳng định rằng bang này sẽ trong tình trạng báo động đỏ cho đến khi có lệnh mới.

“Quả bóng bất động sản của chúng ta quá lớn (so với phần còn lại của nước Mỹ) và khi nó nổ tung, chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất”, bà Ross nhận xét. “Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng chúng ta sẽ thoát khỏi tình hình này chậm hơn các bang còn lại”. 

Điều nghịch lý là ông Schwarzenegger, vốn thuộc đảng Cộng hòa, chẳng những không thuyết phục được những thành viên đảng dân chủ mà ngay cả những người cùng phe vốn chống đối biện pháp tăng thuế. Theo ông Kris Vosburgh, giám đốc một hiệp hội bảo vệ người chịu thuế, việc tăng thuế không thể giải quyết các vấn đề ngân sách.

“Nếu tăng thuế, chúng ta làm tình hình thêm nặng hơn vì không chỉ tăng gánh nặng đối với người dân, mà kết quả cuối cùng là chính quyền sẽ thu vào ít hơn do mọi hoạt động đình giảm”, ông giải thích.

TẤN LỘC

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới