Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cam kết tiếp tục đổi mới, mở cửa thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cam kết tiếp tục đổi mới, mở cửa thị trường

Mộng Bình

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đang phát biểu tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế giữa kỳ tại Buôn Ma Thuột ngày 8-6-2009 – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục con đường đổi mới và mở cửa thị trường, dù cho suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động không nhỏ đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Thông điệp trên đã được Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm gửi tới cộng đồng các nhà tài trợ tại phiên khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế giữa kỳ 2009, diễn ra vào ngày 8 và 9-6 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc.

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh, ngay trong thời buổi khó khăn của nền kinh tế thế giới, khi một số nước quay lại chính sách bảo hộ mậu dịch thì Việt Nam đang thực hiện nghiêm túc các cam kết kinh tế và thương mại song phương và đa phương để đáp ứng sự phát triển của chính Việt Nam và vì lợi ích của các đối tác.

Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch thương mại năm 2008 đạt trên 140 tỉ đô la Mỹ và tăng bình quân gần 20%/năm trong suối 20 năm qua.

Việt Nam đã thu hút được hơn 10.000 dự án đầu tư trực tiếp của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đầu tư trên 160 tỉ đô la Mỹ.

Phó thủ tướng nói: “Chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai các giải pháp để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, và góp phần giúp Việt Nam trở thành điểm đến có tính cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư”.

Ông cũng chia sẻ rằng trong lúc phải đối đầu với khủng hoảng kinh tế, Chính phủ Việt Nam vẫn đang thực hiện cấu trúc nền kinh tế, bao gồm cả việc tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế mới phù hợp và hiệu quả nhất cho việc phát triển sau khủng hoảng.

Theo ông Khiêm, để đạt được tăng trưởng bền vững và cao hơn, Việt Nam đang tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng thiết yếu, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

“Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn 2011 đến 2020, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020”, ông nói.

Trong phần phát biểu của mình, Giám đốc của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng chính thời điểm khó khăn và thách thức này là lúc có nhiều cơ hội nhìn nhận những hạn chế, vì khủng hoảng sẽ làm lộ ra điểm yếu nhất trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Bà Kwakwa nói: “Việt Nam đang có cơ hội giải quyết tận gốc các điểm yếu để biến thành các điểm mạnh, đồng thời nâng cao khả năng hồi phục của nền kinh tế và vị trí của quốc gia để đạt được tăng trưởng cao hơn trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh và không bền vững”.

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết trong quí 1-2009 kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 3,1% và dự báo tăng trưởng cho cả năm 2009 khoảng 5%, và sẽ tăng cao hơn vào những năm sau.

Ông cũng nói rằng Việt Nam đánh giá nguồn vốn phát triển (ODA) của cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế Việt Nam bên cạnh những nỗ lực của chính Chính phủ và người dân Việt Nam.

Hội nghị giữa kỳ 2009 tập trung vào triển vọng tăng trưởng

Các chủ đề được bàn thảo tại hội nghị giữa kỳ lần này bao gồm đánh giá tình hình phát triển kinh tế vĩ mô, những diễn biến mới và triển vọng tăng trưởng cho năm 2009; ảnh hưởng xã hội do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế và chính sách thích ứng của Chính phủ; quản trị công và chống tham nhũng. Hội nghị cũng tập trung vào việc xem xét hiệu quả viện trợ.

Đồng chủ tọa hội nghị lần này là Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa.

Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam bao gồm các thành viên của chính phủ Việt Nam và các đại diện của các nhà tài trợ song phương và đa phương cho Việt Nam. 

Từ năm 1993 đến nay, hơn 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đã cam kết cung cấp ODA trị giá gần 50 tỉ đô la Mỹ cho Việt Nam bên cạnh hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ để giúp phát triển tại Việt Nam.

Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12-2008 các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ hơn 5 tỉ đô la Mỹ hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo và phát triển của Việt Nam.

M.B 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới