Chủ Nhật, 20/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cam kết tiêu thụ gỗ có nguồn gốc rõ ràng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cam kết tiêu thụ gỗ có nguồn gốc rõ ràng

Uyên Viễn

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Tân chủ tịch Hawa nhiệm kỳ VI (2013-2016). Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG Online) - Một trong những mục tiêu được Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) đặt ra trong nhiệm kỳ VI (2013-2016) là khuyến khích doanh nghiệp hội viên phát triển vùng nguyên liệu, cam kết tiêu thụ gỗ rừng do nông dân trồng, tuyên truyền đến người tiêu dùng làm quen với việc tiêu thụ gỗ có nguồn gốc rõ ràng.

Tân chủ tịch Hawa kể từ ngày 24-6-2013, ông Nguyễn Quốc Khanh, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng và Kiến trúc AA, đã trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh việc phát triển bền vững gắn với môi trường kinh tế lâm nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 phát triển chế biến gỗ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

TBKTSG Online: Mục tiêu cụ thể phát triển bền vững gắn với môi trường kinh tế lâm nghiệp mà Hawa đặt ra là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Khanh: Lâu nay những nhà sản xuất và chế biến gỗ ở trong nước đã bị hàm oan, mang tiếng là phá rừng, hủy hoại môi trường nhưng thật sự không hẳn như vậy.

Tôi còn nhớ, khoảng cuối thập niên 1990, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên. Kể từ đó, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu bằng cách nhập khẩu gỗ có nguồn gốc xuất xứ (chứng chỉ rừng) từ Mỹ, các nước Nam Mỹ, châu Phi v.v., hoặc là thu mua gỗ tràm, keo từ nông dân các tỉnh Nam Trung bộ nhưng số lượng còn khiêm tốn.

Tiêu thụ gỗ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (gỗ trồng công nghiệp) là xu hướng chung của thế giới hiện nay.

Thời gian qua, sở dĩ lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh, trung bình từ 15-20%/năm, chính là vì chúng ta tuân thủ tốt những cam kết, quy định sử dụng gỗ có xuất xứ rõ ràng mà các thị trường khó tính đặt ra như châu Âu, châu Mỹ la tinh, Mỹ, Nhật Bản...

Mặc dù, bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu chưa hồi phục, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ ít nhiều cũng bị tác động, tuy nhiên với doanh số xuất khẩu trong năm ngoái đạt 4,6 tỉ đô la Mỹ đã chứng tỏ được thế mạnh của ngành đồ gỗ Việt Nam có nền tảng và năng lực để phát triển dài hạn.

Muốn phát triển chế biến gỗ thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta phải hoạch định chiến lược liên hoàn, gắn kết giữa người tham gia trồng rừng là nông dân với các nhà khoa học (hướng dẫn phương pháp trồng rừng, cung ứng cây giống và bảo vệ môi trường), công nghiệp phụ trợ, chính sách cho vay vốn ưu đãi, chính sách thu gỗ mua hợp lý, giải quyết việc làm cho người lao động (trồng rừng, công nhân các nhà máy chế biến đồ gỗ và mỹ nghệ).

Với tốc độ phát triển khá tốt của lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất và mỹ nghệ xuất khẩu, trong một cuộc làm việc mới đây giữa Hawa và Ủy ban nhân dân TPHCM, chúng tôi đã đưa ra dự báo đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt mức 10 tỉ đô la Mỹ.

Tương lai ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ nằm trong mười lĩnh vực đạt doanh số xuất khẩu cao nhất, đồng thời sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1 triệu người lao động.

Vậy vùng nguyên liệu rừng trồng sẽ được quy hoạch như thế nào?

- Chính sách của chúng ta hiện nay là nhà nước đã và tiếp tục giao đất cho nông dân từ các tỉnh miền núi phía Bắc cho đến miền Trung, Đông Nam bộ tham gia trồng rừng và bảo vệ môi trường (phủ đồi trọc).

Các loại cây gỗ keo, tràm bông vàng... để trở thành nguyên liệu sản xuất đồ gỗ phải có thời gian trồng từ 8-12 năm mới đạt chất lượng.

Thực tế trong thời gian qua, nông dân vì chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, gỗ trồng lâu năm vì không có nơi tiêu thụ ổn định, chính vì thế khi cây gỗ đến 4-5 năm tuổi đã bị chặt bán cho các doanh nghiệp thu mua chế biến thành dăm gỗ hoặc làm ván ép tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu. Người nông dân tích cực tham gia công tác trồng rừng nhưng kết cuộc như vậy hẳn nhiên về lâu dài họ sẽ nản vì nguồn thu nhập không được như kỳ vọng.

Như đã nói trên, tiêu thụ gỗ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (cây gỗ trồng công nghiệp) là xu hướng chung của thế giới hiện nay. Một phần trách nhiệm của Hawa trong thời gian tới là hướng các doanh nghiệp tiêu thụ dài hạn gỗ rừng do nông dân trồng. Kế đến, cũng phải tuyên truyền cho người dân trong nước làm quen với việc tiêu thụ đồ gỗ nội thất được sản xuất từ các loại gỗ trồng như sồi, tràm bông vàng, keo... thay vì sử dụng các loại danh mộc theo truyền thống.

Hawa hiện có khoảng 350 thành viên, trong đó hoạt động chế biến gỗ chiếm tỷ lệ 51,9%, mỹ nghệ 24,1%, thương mại 19,1%, dịch vụ là 4,9%.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ và mỹ nghệ đạt 4,6 tỉ đô la Mỹ năm 2012, thế mạnh thuộc về khối doanh nghiệp ở khu vực nào trong nước, vì sao?

- Chiếm 80% doanh số trong 4,6 tỉ đô la Mỹ là các doanh nghiệp hoạt động ở khu vực miền Đông Nam bộ. Hầu hết các doanh nghiệp hội viên của Hawa đều có thế mạnh sản xuất đồ gỗ đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất từ các nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Kỹ năng sản xuất của chúng ta vốn đã tốt, nay càng trở nên tốt hơn vì giữa Hawa và đối tác đến từ Ý đã có sự hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ sự hỗ trợ của phía bạn, các thành viên Hawa đã cho ra đời những mẫu thiết kế rất tinh tế, sang trọng, góp phần đưa sản phẩm đồ gỗ và mỹ nghệ Việt Nam vươn tới phân khúc cao cấp, thay vì chỉ ở mức trung bình hoặc khá.

Khoảng một năm trở lại đây, rất ngẫu nhiên, nhiều nhà nhập khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới đã đến Việt Nam đặt hàng chứ không chọn Trung Quốc như trước. Nguyên nhân, giá nhân công ở Trung Quốc cao gấp nhiều lần so với Việt Nam. Kế đến, sau một thời gian phát triển cực thịnh ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, giờ người Trung Quốc có phần giảm sự ưu tiên trong lĩnh vực này. Lợi thế đó đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp thành viên Hawa mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng từ nguồn gỗ trồng nguyên liệu ở trong nước, thay thế dần các loại gỗ nhập khẩu.

 

Ban chấp hành Hawa nhiệm kỳ VI (2013-2016) có 15 thành viên, trong đó Ban thường vụ gồm có năm vị:

- Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kiến trúc AA

- Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hawa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh

- Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hawa, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Kim Bôi

- Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hawa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Oseven

- Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký, Giám đốc Công ty TNHH Danh Mộc

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới