Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cảm ơn “Cái tình cây lúa nước”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cảm ơn “Cái tình cây lúa nước”

Phụng Thơ

(TBKTSG) – Lang thang trên mạng tìm thông tin về nông nghiệp để phụ ba má ở quê sản xuất, tình cờ tôi “chộp” được bài “Cái tình cây lúa nước” (TBKTSG Xuân Mậu Tý 2008) của Huỳnh Kim. Với người thành thị hoặc thanh niên nông thôn bây giờ, có lẽ đọc bài này sẽ thấy xa lạ và không xao lòng.

Với lứa chúng tôi, những đứa con của đồng bằng, từng ăn cơm trên lưng trâu và ngủ trong đống rơm; sông, mương là những “hồ bơi” tuyệt vời nhất thì “Cái tình cây lúa nước” đưa tôi về lại tuổi thơ ở vùng quê sông nước đầy gian lao, nghèo đói mà thấm đậm nghĩa tình!

Đọc bài tôi chợt nhớ câu ngâm nga của nông dân: 

Quốc tu oa, cò ma ra ruộng

Bông Đế trổ rồi, cấy muộn làm chi?”

Đó là nỗi niềm của người dân quê tôi khi cây lúa mùa không giành được chỗ đứng ở ruộng với “ông nước lụt”. Đến khi nước vừa vựt mé ruộng thì con quốc kêu rân trời, kéo bông Đế trắng đồng… Vậy là đi toi một mùa lúa… Ba má tôi ngồi thở dài…

Nhớ lại mùa nghỉ hè sắp kết thúc, tôi phụ má đi bứng lúa dâm. Nước ngập tới cổ, cây lúa dâm cao hơn đầu (mới 13-14 tuổi mà), con dao bứng lúa thì cầm không nổi, rớt lên rớt xuống. Vậy mà tôi phải ì ạch với con dao xắn gốc lúa dâm (phải xắn ba nhát dao mới bứng được cây lúa dâm lên khỏi đất sình), xong lại “vật” cây lúa xuống chặt bỏ sình đất cho gốc lúa gọn lại, trên đầu thì tầm tã mưa tuôn…

Tất cả đã gói lại thành kỷ niệm. Nhớ mà thương ba má tôi quá! Thương những người nông dân lam lũ quá!

Mùa cấy lúa không phải nhà ai cũng có “cây nọc” đâu. Ba tôi là thợ mộc nên đẽo “nọc” rất đẹp. Cây nọc ba tôi làm khéo, dễ cấy và không bị chỏi đất bao giờ. Bởi vậy các bà trong xóm mê tít! Ha ha lại sinh rắc rối! Mà toàn là đẽo nọc cho không hà. Không có mua bán đâu. Nhà quê là vậy mà! Ai cầm cây nọc đẹp ra ruộng cấy là hãnh diện lắm nhe! Các cô, chú thi nhau cấy nhanh và cấy đẹp nữa chứ.

Rồi cùng nhau hát hò, thỉnh thoảng nghe tiếng la thất thanh: Á…á…á…á! Đố mọi người biết chuyện gì xảy ra? Hì! Một con đỉa đen thui đeo miết trên chân một bà đang cấy. Vậy là bất chấp mạ non, mạ già, bà ta chạy rầm rầm, lúa nổi lên hết ráo và nhào tới ôm cổ bất cứ ông nào đứng gần đó và… la làng… Cả cánh đồng rộn lên những trận cười no nê!

Rồi tới mùa cắt lúa. Lúa chín vàng đồng. Năm nào trúng mùa thì cả xóm đều hớn hở. Ngày xưa không có làm mướn lấy tiền mà là làm vần công. Con trai, con gái rất thích làm vần công vì vui và dễ kết bạn. Ngày đó con người ta rất nặng tình nghĩa với nhau. Không ai so hơn tính thiệt trong việc giúp đỡ nhau.

Tôi thích nhất là được mang cơm ra ruộng và cùng ăn với mọi người. Khắp cánh đồng rộn rã tiếng cười nói, tiếng đập lúa vào bồ, tiếng ca vọng cổ… nghèo khó mà thật vui!!!

Tất cả, tất cả những thứ có trong “Cái tình cây lúa nước” đã gắn liền với tuổi thơ của đám con nít quê mùa chúng tôi. Hai mươi năm nhìn lại. Một thời gian không phải là quá dài. Việc học tập và mưu sinh đã kéo tôi xa quê hương nhưng ký ức tuổi thơ vẫn đong đầy trong tôi.

Quê tôi bây giờ không còn con trâu nào, thay vào đó là máy cày, máy xới, bồ đập lúa thì thay bằng máy suốt. Người dân đỡ lam lũ hơn. Nhưng sao tôi vẫn thấy thiếu thiếu một thứ gì đó, có lẽ là cái chân tình và nặng nghĩa của con người với nhau.

Tôi thoáng buồn khi đây đó mọc lên những bức tường rào cao ngất ngưởng, ẩn trong đó là sự tranh giành đất đai, tị hiềm nhỏ nhen… Khác hẳn với những bờ rào hoa dâm bụt đỏ chót, đu đưa đón đám học trò, hoặc hàng rào cây trà, cây bùm sụm đầy trái đỏ rủ rê đám con nít của ngày xưa.

Với thời gian, nhiều nông cụ nông dân không còn dùng nữa, nhưng có một thứ thiêng liêng mà tôi không bao giờ muốn nó chỉ có trong hồi ức, đó là: tình người dân quê! Giống như “Cái tình cây lúa nước”, tình người dân quê phải được lưu truyền mãi mãi như những bờ tre, bụi chuối làm đẹp quê nhà!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới