Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cam Ranh sẽ thành trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật hiện đại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cam Ranh sẽ thành trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật hiện đại

Sơn Nghĩa lược ghi

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh – Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

(TBKTSG Online) – Việt Nam sẽ xây dựng cảng Cam Ranh thành trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật hiện đại, đủ khả năng cung cấp các dịch vụ về hậu cần cho tàu hải quân của tất cả các nước trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết thông tin trên với báo giới bên lề cuộc họp Quốc hội sáng 1-11-2010.

Bộ trưởng cho biết Việt Nam sẽ xây dựng cảng Cam Ranh theo hướng kết hợp vừa làm dịch vụ cho tàu Hải quân Việt Nam và sẵn sàng làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tàu hải quân cũng như tàu kinh tế của các nước trên thế giới, nếu họ có nhu cầu. Theo quy chế quản lý của Việt Nam, các tàu quân sự hay dân sự quốc tế đều có thể ra vào cảng. Dĩ nhiên họ phải xin phép Việt Nam và có những hợp đồng kinh tế ký kết dựa trên thỏa thuận khai thác cảng giữa hai bên.

Lộ trình xây dựng và khai thác cảng Cam Ranh đã đến đâu, thưa Bộ trưởng?

– Hiện nay việc khai thác cảng Cam Ranh đang ở giai đoạn làm dự án để chuẩn bị đầu tư. Việt Nam sẽ thuê tư vấn của nước ngoài, có thể chúng ta sẽ mua của Nga các thiết bị công nghệ để xây dựng hạ tầng và khai thác cảng. Giai đoạn đầu, Việt Nam sẽ thuê một số chuyên gia kỹ thuật của Nga, giúp chúng ta xây dựng thành công nhà máy để làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật.

Khi Việt Nam là chủ đầu tư, chủ quyền khai thác cảng hoàn toàn là của chúng ta. Nếu chúng ta không cho phép, tàu nước ngoài sẽ không ra vào được. Tuy nhiên, đây là khu vực dành riêng chỉ để làm hậu cần kỹ thuật, hoạt động riêng biệt với khu tàu hải quân của Việt Nam.

Điều này cũng đảm bảo an toàn bí mật quân sự của Việt Nam. Đây cũng không phải là căn cứ quân sự của nước ngoài, cũng như không phải cho nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật.

Theo kế hoạch khai thác này, có nghĩa là tàu của tất cả các quốc gia đều có thể cập cảng Cam Ranh?

– Tàu của tất cả các quốc gia đều có thể vào khu vực này, với điều kiện được sự cho phép của Việt Nam và có hợp đồng kinh tế với Việt Nam. Hiện chúng ta chỉ mới lập dự án, ít nhất vài năm nữa mới có thể đưa vào khai thác trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật tàu biển này.

Quy mô của cảng Cam Ranh trong tương lai như thế nào, và khả năng đáp ứng dịch vụ cho các loại tàu?

– Chúng tôi đang lập dự án và trong giai đoạn đàm phán thuê tư vấn của Nga. Sau công đoạn này, Việt Nam mới tổ chức thẩm định và thuê chuyên gia các nước khác phản biện để đảm bảo tính khách quan, tiết kiệm ngân sách nhằm tăng tính hiệu quả và hợp lý trong việc xây dựng và khai thác cảng.

Sau khi hoàn tất những công đoạn này và được sự phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, cảng mới chính thức được khởi công xây dựng. Vì vậy, tôi chưa thể nói được quy mô và tổng mức đầu tư của dự án này. Nhưng hướng khai thác cảng sẽ là tập trung sửa chữa nhỏ, sửa chữa tàu các loại.

Việc đại tu các loại tàu chúng ta chưa thể làm được, vì tàu hải quân có đặc thù là nước nào sản xuất, nước đó sẽ tự sửa chữa. Hiện kể cả Ấn Độ, khi mua tàu ngầm của Nga, đều quay trở lại nhà máy sản xuất ra tàu ngầm để đại tu sửa chữa lớn khi tàu gặp trục trặc. Căn cứ mới đang chuẩn bị xây dựng ở cảng Cam Ranh, có thể sửa chữa được tàu ngầm, tàu mặt nước, tàu quân sự, tàu dân sự.

Một góc sân bay quốc tế Cam Ranh – Ảnh: Hồng Văn

Tàu sân bay có thể cập cảng được căn cứ mới chuẩn bị xây dựng ở Cam Ranh không, thưa Bộ trưởng?

– Không loại trừ khả năng này.

Bộ trưởng có nói là cảng Cam Ranh được xây dựng mới sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường thông qua những hợp đồng thỏa thuận ký kết với Việt Nam. Vậy thưa ông, tàu của những quốc gia có tranh chấp biển đảo với Việt Nam có thể cập cảng được không?

– Chúng ta sẽ xem xét có thể cho họ vào. Vì đây là căn cứ dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới. Với tinh thần bình đẳng, chủ quyền quốc gia do chúng ta quản lý, chúng ta có khả năng kiểm soát tình hình. Vì vậy, khi họ cập cảng, chúng ta phải xem họ đề nghị sửa chữa những hạng mục nào, nếu khả năng, năng lực nhà máy có thể làm được, chúng ta cũng không loại trừ cho các nước còn có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ra vào cảng.

Hiện nay, chúng ta vẫn cho phép các tàu quân sự nước ngoài vào thăm các cảng của Việt Nam theo con đường ngoại giao. Tàu của các quốc gia ASEAN, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Úc, Trung Quốc. New Zeland… hàng năm vào thăm.

Dự kiến Việt Nam sẽ mất bao lâu để xây dựng hoàn thành dự án và hiệu quả kinh tế của dự án này, thưa Bộ trưởng?

– Chúng ta phải phấn đấu, nếu nhanh cũng phải mất đến 3 năm để hoàn thành. Dự án này chủ yếu phục vụ cho mục đích quân sự, như tôi nói, trung tâm ra đời để sửa chữa cho các tàu của Việt Nam. Nhưng nếu chỉ sửa chữa cho tàu Việt Nam sẽ lãng phí, vì công suất của trung tâm này quá lớn. Vì vậy, trung tâm sẽ làm dịch vụ cho cả tàu nước ngoài, lấy khoản thu này để bù lại cho chi phí của chúng ta bỏ ra xây dựng.

Làm điều này sẽ khai thác trung tâm hiệu quả hơn và đỡ lãng phí năng lực của Việt Nam. Vì vậy, giờ này chúng ta vẫn chưa thể nói trước được về tính hiệu quả về mặt kinh tế của trung tâm này.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới