Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Campuchia có tân ngoại trưởng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Campuchia có tân ngoại trưởng

Chánh Tài

Campuchia có tân ngoại trưởng
Tân ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon. Ảnh: Phnom Penh Post

(TBKTSG Online) – Ngày 4-4, Quốc hội Campuchia đã thông qua danh sách nội các mới do Thủ tướng Hun Sen đề xuất nhằm cải thiện năng lực hoạt động của chính phủ và thay đổi đáng chú ý nhất xảy ra ở Bộ Ngoại giao.

Đây là động thái cải tổ nội các hiếm hoi trong suốt ba thập kỷ cầm quyền của ông Hun Sen. Tuy nhiên, hầu hết thay đổi là luân chuyển giữa các ghế bộ trưởng và chỉ có hai bộ trưởng bị loại ra khỏi nội các.

Cựu cố vấn thủ tướng làm ngoại trưởng

Thay đổi đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Bưu chính và Viễn thông Campuchia Prak Sokhon, 61 tuổi, được bổ nhiệm thay thế ông Hor Namhong, người giữ chức ngoại trưởng Campuchia trong suốt 18 năm qua. Ông Hor Namhong vẫn giữ chức phó thủ tướng Campuchia.

Ông Prak Sokhon cũng đang giữ chức chủ tịch Viện Nghiên cứu và phân tích, một tổ chức tư vấn chính sách do ông Hun Sen thành lập.

Ông Sokhon từng du học ở Hungary và Pháp và làm phóng viên báo Quân đội Campuchia trước khi tham gia chính trường. Theo bản lý lịch được đăng trên mạng, ông Sokhon đã kinh qua nhiều chức vụ khác nhau như Phó tổng biên tập báo Quân đội Campuchia, người phát ngôn lực lượng vũ trang hoàng gia Campuchia, Cố vấn thủ tướng, Đại sứ Campuchia tại Pháp, Bỉ, Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Liên minh châu Âu (EU), chủ tịch Ủy ban điều phối quốc gia về sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, Bộ trưởng Bưu chính và Viễn thông.

Một nhà ngoại giao ở Phnom Penh giấu tên nhận định tân ngoại trưởng Campuchia là một người có “tầm nhìn và kỹ năng quản lý giỏi”. Người này cho biết với tư cách là Chủ tịch Ủy ban điều phối quốc gia về sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, ông Sokhon đã làm tốt công việc giám sát sứ mệnh gìn giữ hòa bình của binh sĩ Campuchia ở nước ngoài và đây là “một trong những thành công lớn của ngoại giao Campuchia”.

Campuchia muốn làm mới chính sách ngoại giao?

Báo The Nation (Thái Lan) ngày 5-4 nhận định sự ra đi của vị ngoại trưởng kỳ cựu Hor Namhong đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao và chính trị gần đây của Campuchia.

Các nhà ngoại giao các nước ASEAN tại Phnom Penh đang thận trọng quan sát những tác động từ động thái này của ông Hun Sen trên phương diện đối nội cũng như chính sách ngoại giao.

Việc sắp xếp lại toàn bộ các chức danh trong nội các như vậy thường phải được đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) thảo luận trước nhưng ông Hun Sen đã không làm như vậy. Rõ ràng, vị thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất ở khu vực muốn sử dụng cơ hội này để đánh giá sự ủng hộ trong nội bộ đảng CPP khi ông tự đề xuất các ứng cử viên trong nội các mới.

Tân ngoại trưởng Prak Sokhon xuất hiện vào một thời điểm quan trọng khi Campuchia hứng chịu nhiều hậu quả chính trị sau thất bại của hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia vào tháng 7-2012. Tại hội nghị lần đó, khi Campuchia giữ chức Chủ tịch ASEAN, vì sợ làm phật lòng Trung Quốc, ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã từ chối ra tuyên bố chung dù các ngoại trưởng ASEAN đã 18 lần chỉnh sửa dự thảo tuyên bố chung nhằm làm dịu lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Ông Hor Namhong cương quyết bác mọi gợi ý chỉnh sửa tuyên bố chung của những người đồng cấp Indonesia và Singapore.

Sau hội nghị, Campuchia đã bị các thành viên khác của ASEAN cũng như các đối tác đối thoại của ASEAN chỉ trích kịch liệt. Ông Hun Sen đã im lặng vì tôn trọng vị ngoại trưởng lão thành, từng là người thầy của ông về chính sách ngoại giao.

The Nation nhận định lần này, với quyết định đưa ông Prak Sokhon vào ghế ngoại trưởng, ông Hun Sen muốn truyền một tín hiệu đến ASEAN và cộng đồng quốc tế rằng đất nước chủ trương không liên kết này đang quay trở lại với phương hướng chính sách ngoại giao mới mẻ.

Báo Phnom Penh Post ngày 6-4 dẫn lời giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu địa chính trị Đông Nam Á, nói rằng tân ngoại trưởng Campuchia cần nắm bắt cơ hội cải thiện với các nước ASEAN và Mỹ để giúp Campuchia thoát ra khỏi ký ức thất bại ngoại giao khi ông Hor Namhong chủ trì hội nghị ngoại trưởng ASEAN vào năm 2012.

Giáo sư Thayer nói: “Chính sách ngoại giao của Campuchia sẽ không đi chệch quá nhiều so với quá khứ như ông Sokhon cần linh hoạt hơn trong ứng xử với các nước chứ không chỉ Trung Quốc”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới