Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Campuchia trong xu hướng đại dự án

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Campuchia trong xu hướng đại dự án

Thái Hà

(TBKTSG Online) – Campuchia đã lập dự án xây dựng sân bay lớn thứ 9 thế giới, với diện tích 2.600 héc ta và chi phí 1,5 tỉ đô la Mỹ, nằm cách thủ đô Phnom Penh 30 km về phía Nam. Những con số đó dấy lên lo ngại trong dân chúng về mức độ khả thi của dự án cũng như sự cần thiết của nó, một nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á với dân số khoảng 16 triệu người cần phải có sân bay lớn như vậy?

Campuchia trong xu hướng đại dự án
Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh bị vây kín bởi các tòa nhà cao tầng.

Nhưng những dự án “hoành tráng” đó không còn là điều mới lạ ở Campuchia. Dự án tòa tháp đôi thương mại Thai Boon Roong Twin Trade Center với 133 tầng đang được thực hiện bên bờ sông Mekong đoạn chảy qua Phnom Penh do công ty địa phương Thai Boon Roong và công ty Trung Quốc Kia Nip Group phát triển có chi phí lên đến 2,7 tỉ đô la. Với chiều cao 500m, nó sẽ vượt qua tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur để trở thành tòa nhà cao nhất Đông Nam Á.

Một dự án còn hoành tráng hơn đã được phác thảo khi ông Thủ tướng Hun Sen dự lễ phát bằng tốt nghiệp tại Học viện công nghệ Campuchia ở Phnom Penh. Nếu thành hiện thực, tòa nhà chọc trời 600m này sẽ được xếp vị trí thứ 4 thế giới về chiều cao.

Các dự án khác bao gồm khu liên hợp thể thao rộng 16,4 héc ta trị giá 160 triệu đô la, được tài trợ bởi Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho SEA Games 2023. Đáng chú ý, một dự án lớn hơn cả là thành phố vệ tinh bên ngoài Phnom Penh trị giá 80 tỉ đô la, với tên gọi đã được đặt trước: Samdech Techo Hun Sen Dragon City. Có thể nhận thấy, phần lớn các dự án đều có bóng dáng Trung Quốc.

Theo nhà báo Longo Connor từ tờ Nikkei Asian Review, những dự án đầy tham vọng nhưng ít có khả năng thực hiện hoặc bị trì hoãn rất lâu còn được gọi là những dự án “ma”, lan truyền như bệnh dịch ở Phnom Penh. Như dự án cao ốc Gold Tower 42, cao 192m đứng trơ bộ khung giữa trung tâm thành phố gần 10 năm nay, mới khởi động xây dựng trở lại.

Không thể phủ nhận rằng Campuchia đang hồi phục sau nhiều thập kỷ chiến tranh và xung đột. Tăng trưởng kinh tế ở mức 7% mỗi năm trong suốt hai thập kỷ qua. Nhưng Campuchia còn nhiều việc khác để làm, một cơn bùng nổ xây dựng và bất động sản là quá lớn và quá sớm đối với một nước còn quá nhiều người dân phải vật lộn với sinh kế hàng ngày.

Hậu quả của bong bóng bất động sản có thể đã thấy ngay qua bản báo cáo về thị trường nhà đất ở Phnom Penh của công ty định giá tài sản VTrust Appraisal: giá căn hộ năm 2017 giảm đến 50% so với năm 2016, tất cả các chỉ số khác như giá thuê và mua đất, căn hộ, văn phòng đều giảm, gánh nặng rất lớn đang đè lên hệ thống ngân hàng.

(Theo Nikkei Asian Review)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới