Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần 2.500 tỉ đồng đầu tư dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần 2.500 tỉ đồng đầu tư dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cần đến 14.200 tỉ đồng để đầu tư các công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025, trong đó, dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2 cần đến 2.500 tỉ đồng.

Dự án Cái Lớn- Cái Bé kiểm soát nguồn nước hơn 384.000 ha bán đảo Cà Mau

Sau nhiều tranh cãi, dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được phê duyệt

Dự án Cái Lớn – Cái Bé có làm nghị quyết “thuận thiên” phá sản?

Cần 2.500 tỉ đồng đầu tư dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2
Bộ Nông nghiệp cần 2.500 tỉ đồng đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé, giai đoạn 2. Trong ảnh là dự án giai đoạn 1 đã được khởi công. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được thể hiện trong báo cáo về công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hôm 3-1.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2 nhằm mục tiêu cùng với các công trình cống Cái Lớn- Cái Bé (cống Cái Lớn- Cái Bé thuộc dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé, giai đoạn 1 đang được thi công- PV), âu thuyền Ninh Quới và các công trình khác trong khu vực để kiểm soát mặn, lợ, ngọt cho các vùng sản xuất thuộc 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Về quy mô, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ xây dựng một số cống ven biển Tây nhằm khép kín vùng An Minh- An Biên; các cống dọc kênh Chắc Băng để phân ranh mặn, ngọt cho phía bắc tỉnh Cà Mau và tây tỉnh Bạc Liêu; nạo vét hệ thống các kênh trục để tiếp nước từ sông Hậu trên địa bàn Thành phố Cần Thơ về tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang.

Cụ thể, sẽ nạo vét các kênh, gồm KH 6 (rộng 35 mét, dài 55 km); KH 7 (rộng 12 mét, dài 25 km); KH 8 (rộng 12 mét, dài 25 km); KH 9 (rộng 12 mét, dài 25 km); kênh Giữa (rộng 12 mét, dài 8 km); kênh Thốt Nốt (rộng 50 mét, dài 47 km) và kênh Ô Môn (rộng 40 mét, dài 45 km).

Trước đó, vào ngày 9-11 năm ngoái, dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 1 đã chính thức được khởi công xây dựng.

Thông tin từ Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10- chủ đầu tư dự án- thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) là trên 3.309 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là trên 2.144 tỉ đồng; chi phí thiết bị là trên 223,5 tỉ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 133,7 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án trên 20 tỉ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trên 165,5 tỉ đồng; chi phí dự phòng trên 399 tỉ đồng và chi phí khác là trên 221,7 tỉ đồng.

Về nguồn vốn đầu tư, dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (giai đoạn 2017- 2020) là 3.300 tỉ đồng; vốn ngân sách nhà nước tập trung (giai đoạn 2010-2016) là 9,5 tỉ đồng. Thời gian thục hiện dự án là phải hoàn thành trước ngày 31-12-2021.

Về quy mô đầu tư dự án, trong giai đoạn 1, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng cống Cái Lớn với cấp độ công trình là cấp I; cống Cái Bé (cấp II) và xây dựng đê nối nối hai cống với quốc lộ 61 (cấp III). Ngoài ra, ở giai đoạn này còn thực hiện hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 địa phương này làm chủ đầu tư.

Liên quan đến dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé, trước khi chính thức triển khai xây dựng giai đoạn 1, đã có rất nhiều nhà khoa học có uy tín ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung lên tiếng phản đối thực hiện do lo ngại nguy cơ tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của vùng dự án nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Bên cạnh dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2, trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn muốn đầu tư hàng loạt công trình thủy lợi khác ở ĐBSCL.

Theo đó, một số dự án điển hình, gồm dự án hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản phía Nam tỉnh Bạc Liêu và chống ngập do triều cường, nước biển dâng, sụt lún đất, có tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng; dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre giai đoạn 2, có tổng vốn 450 tỉ đồng; dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 2, có tổng vốn 400 tỉ đồng; xây dựng cống, trạm bơm hệ thống thủy lợi Long Phú- Tiếp Nhật tỉnh Sóc Trăng, có tổng vốn 300 tỉ đồng; hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít giai đoạn 2, tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh, có tổng vốn 1.500 tỉ đồng; hệ thống công trình kiểm soát mặn, triều cường dọc sông Hậu cho vùng Quản Lộ- Phụng Hiệp, có tổng vốn 900 tỉ đồng; nạo vét kênh trục Hồng Ngự- Vĩnh Hưng, có tổng vốn 850 tỉ đồng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới