Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Căn bệnh tăng giá dịp lễ, Tết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Căn bệnh tăng giá dịp lễ, Tết

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Cứ đến mùa du lịch hay có sự kiện lớn diễn ra, điệp khúc khách sạn, nhà hàng… đẩy giá lên gấp hai, ba lần lại tiếp diễn.

Du khách dùng bữa tại một khách sạn hạng sang ở TPHCM – Ảnh: Đào Loan

Trước phàn nàn của du khách và doanh nghiệp, một số cơ quan quản lý đã áp dụng quy định chỉ cho phép doanh nghiệp tăng giá 30% hoặc 50%, cao hơn sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, dường như quyết định này không thể giúp kiểm soát được tình trạng tăng giá vô tội vạ ở nhiều điểm du lịch và sự phàn nàn vẫn tiếp diễn, vì thị trường không thể được điều tiết hoàn toàn bằng mệnh lệnh hành chính.

Thật ra, theo nhiều doanh nghiệp, không thể có giá bình ổn trong ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, vốn thường đông hoặc vắng theo mùa nên giá cả sẽ có lúc cao, lúc thấp. Không chỉ ở Việt Nam, đi nước ngoài cũng vậy, nếu tập trung vào thời điểm hội chợ, sự kiện hay đặt chỗ sát ngày thì giá cả sẽ cũng sẽ tăng vọt.

Tuy nhiên, điều khác biệt là ở nước ngoài giá thấp hay giá cao đều được công bố rõ ràng, công bố sớm cho khách hàng biết. Trong khi đó, ở Việt Nam lại hay xảy ra tình trạng "găm phòng" để đẩy giá lên khi đông khách; và khi vắng khách thì đi chào mời, khuyến mãi cho đối tác, đến khi có sự kiện thì chỉ bán "xã giao" vài phòng để giữ mối quan hệ, còn lại để dành bán giá cao.

Ông Đặng Huy Hải, Phó tổng giám đốc Khách sạn năm sao New World Sài Gòn, cho biết khách sạn phải công bố giá trước một năm cho đối tác. Giá cao hay thấy là tùy vào nhà cung cấp dịch vụ để đảm bảo sản phẩm bán được, cạnh tranh được mà vẫn có lời nhưng phải báo rõ ràng từng mức giá, báo rõ mùa nào sẽ cộng thêm phí bao nhiêu, mùa nào thấp để đối tác chủ động tính toán giá bán.

"Làm ăn có mùa đông khách, mùa vắng khách nên chúng tôi cũng phải đưa yếu tố đó vào giá để đảm bảo có lời, nhưng một khi đã đưa ra giá thì phải đảm bảo đúng cam kết," ông nói.

Có giá rõ ràng, bạn hàng sỉ hay khách tự do sẽ chủ động quyết định, thấy giá thích hợp thì đến, không thì chọn nơi khác. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và du khách đang áp dụng cách này. Công ty du lịch muốn có giá cạnh tranh sẽ phải ước lượng sức mua, chuẩn bị dịch vụ sớm để thu hút khách hàng. Khách du lịch đi theo tour cũng vậy, muốn có giá tốt thì phải mua tour sớm. Khách tự do cũng phải dự tính trước kỳ nghỉ để sắp xếp lịch trình, chọn dịch vụ sớm để có giá thấp.

Du khách tại một resort ở Phan Thiết – Ảnh: Đào Loan

Tuy nhiên, thực tế tại thị trường Việt Nam vẫn có nhiều khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ chưa có thói quen chuẩn bị sớm như thế nên giá cả vẫn có điều kiện "nhảy múa tùy thích" vào mỗi dịp lễ hội.

Giá cả không ổn định cũng có nguyên nhân từ tình trạng kinh doanh theo thời vụ. Rất ít địa phương có nguồn khách du lịch đến đều trong năm nên người bán hàng phải nhân cơ hội vào mỗi cuối tuần, mỗi mùa lễ hội để bán giá cao nhằm bù lại phần thiếu hụt khi vắng khách. Chính vì điều này mà những nơi như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt, Đà Nẵng… thường bị phàn nàn là khách sạn "găm phòng, hét giá" trong thời gian vừa qua. Do tư duy kinh doanh thời vụ nên nhiều doanh nghiệp làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì, bán giá càng cao, càng tốt vì chưa chắc lần sau khách đã quay lại nên không cần phải tính đến hình ảnh hay thương hiệu.

Để khắc phục được tính thời vụ, theo nhiều doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ phải đa dạng nguồn khách, tăng cường các chính sách khuyến mãi vào mùa vắng hay bổ sung các sản phẩm phụ trợ để chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, kinh doanh "trái vụ" là bài toán khó cho các doanh nghiệp nên cơ quan quản lý cũng phải tham gia. Các địa phương có thể tổ chức các sự kiện lễ hội, du lịch cùng những chương trình quảng bá bài bản để kéo khách đến trong nhiều thời điểm trong năm thay vì chỉ tổ chức vào mỗi mùa cao điểm du lịch khiến khách đông lại càng đông, dịch vụ càng quá tải. Nếu những sự kiện du lịch, thể thao, văn hóa hấp dẫn diễn ra đều đặn trong năm thì du khách có nhiều cơ hội để lựa chọn, không phải tập trung vào một thời điểm để bị "móc túi".

Điều cuối cùng, người tiêu dùng có thể sử dụng quyền khách hàng để trừng phạt những nơi làm ăn không đàng hoàng. Giá quá cao, không tương xứng với dịch vụ thì khách có quyền không mua, có quyền từ chối đến nơi đó. Không ai, không cơ quan nào có thể đưa ra giải thích thuyết phục rằng tăng giá 30% hay 50% mới là mức phù hợp. Để hạn chế được tình trạng giá dịch vụ du lịch thất thường thì phải giải quyết được những vấn đề liên quan đến kỹ thuật cung ứng dịch vụ, cung cầu của thị trường và tận dụng cả quyền lực của khách hàng với nhà cung ứng dịch vụ.

Đọc thêm:

Đà Lạt ơi, đừng mất đẹp trong mắt du khách!

Đà Nẵng "cháy phòng" khách sạn dịp thi pháo hoa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới