Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần bổ sung cho luật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần bổ sung cho luật

Một đoạn sông Thị Vải bị ô nhiễm nổi bọt và bốc mùi hôi thối do nước thải độc hại từ nhà máy Vedan xả thẳng ra -Ảnh: TTXVN

(TBKTSG) – Vụ vi phạm của Vedan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một thực tế giúp kiểm chứng luật và các qui định môi trường hiện hành liên quan đến vấn đề nước thải.

Tiến sĩ TRẦN PHƯƠNG ĐÔNG, một chuyên gia môi trường có nhiều kinh nghiệm, cho rằng bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến nước thải là giải pháp cải thiện tình trạng xả thải như Vedan.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Muốn nước sông Thị Vải – Cái Mép trở về hiện trạng như trước khi có Vedan cần giải pháp cụ thể nào và mất bao lâu?

Ông TRẦN PHƯƠNG ĐÔNG: Cần phải có những đánh giá và nghiên cứu đầy đủ hơn về hiện trạng của sông hiện nay để thấy được mức độ mà sông đã bị tác động kể từ khi có những hoạt động công nghiệp và giao thông dọc theo dòng sông này. Trên cơ sở đó mới có giải pháp hạn chế ô nhiễm, phần nào phục hồi các hệ sinh thái thủy sinh và trên cạn đã bị mất, và lúc đó mới dự đoán được là mất bao nhiêu năm. Cần lưu ý, quy mô tác động không chỉ ở sông Thị Vải – Cái Mép mà cả ở khu vực vịnh Gành Rái, nơi con sông này chảy ra.

Riêng với bộ khung pháp lý để tránh những vụ như Vedan, theo ông cần phải bổ sung những gì?

Đứng trên quan điểm của người có chuyên môn về môi trường và quan sát việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) trong vấn đề nước thải và xử lý nước thải, tôi thấy cần bổ sung một số quy định dưới luật để hoàn thiện hơn. Ví dụ, khoản 2, điều 36, Luật BVMT có ghi: “Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có nguy cơ gây tác hại đối với môi trường phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên”.

 Cụm từ “khoảng cách an toàn” không được định nghĩa rõ ràng. Từ đó, các chuyên gia hoặc tư vấn đánh giá tác động môi trường có nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, có nhiều trường hợp dự án nằm ở vị trí và hoạt động có gây tác động môi trường đối với hệ sinh thái hoặc dân cư nhưng vẫn được coi là có khoảng cách an toàn.

Hay một ví dụ khác, điều 36, khoản 1, mục đ đối với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, luật quy định: “Phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường và được vận hành thường xuyên”.

Luật ghi như vậy là bao quát, song cần bổ sung rõ hơn cho từng loại nước thải riêng rẽ như nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, và nước thải do mưa. Nếu “thu gom” tất cả lại rồi xử lý để đạt “tiêu chuẩn môi trường” thì rất khó thực hiện, nhất là về mặt quy trình và công nghệ. Đấy là chưa kể nước thải công nghiệp của các cơ sở khác nhau có thể có chứa chất độc hại khác nhau.

Ông Trần Phương Đông

Ý kiến của ông về quy trình thẩm định và cấp phép xả thải?

Trước hết, phải bắt đầu từ luận cứ khoa học. Nếu lưu lượng xả thải cho phép và chất lượng nước thải vượt quá khả năng đồng hóa (assimilative capacity) sẽ làm cho lưu vực nhận xả thải bị ô nhiễm.

Thứ hai là giấy phép, về nguyên tắc, tất cả các nhà máy và đơn vị sản xuất có xả nước thải ra môi trường phải có giấy phép có thời hạn. Giấy phép phải có ba nội dung quan trọng: (i) Giới hạn khối lượng thải; (ii) Thời biểu thải; và (iii) Các yêu cầu về kiểm soát và báo cáo. Hai nội dung (i) và (ii) có liên hệ khăng khít với nhau và được hình thành trên cơ sở báo cáo tác động môi trường, và chất lượng nước thải ra vẫn phải tuân thủ các giới hạn về tiêu chuẩn mà luật đã quy định. Tức là nước thải phải được xử lý tới mức đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra.

Thứ ba là, trong trường hợp đặc biệt, nếu nước thải có chứa các chất nguy hại (ví dụ: cyanide), thì phải quy định tiến hành khâu tiền xử lý (hay xử lý sơ bộ) để loại ra và giữ lại thành phần nguy hại rồi mới đưa nước thải vào hệ thống xử lý nước thải thông thường.

Thứ tư, bất cứ quy trình xử lý nước thải nào cũng có bùn thải và loại bùn này cũng gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể trong việc lưu giữ, xử lý, đổ thải hoặc chôn lấp bùn thải đúng nơi quy định.

Cuối cùng, việc quy định xử phạt cũng phải rõ ràng và dễ áp dụng. Ví dụ ở Mỹ, theo luật, việc xả thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép bị phạt từ 2.500-25.000 đô la Mỹ/ngày vi phạm. Nếu quy định mức xử phạt nhẹ quá và không rõ ràng, cơ sở sản xuất sẽ lợi dụng xả thải mà không qua xử lý, rồi trả tiền phạt với số tiền ít hơn chi phí xử lý.Như vậy, gọi là giấy phép, nhưng thực chất đó là một văn bản quy định xả thải đối với một nhà máy hoặc đơn vị sản xuất cụ thể. Thời hạn của giấy phép có thể từ 1-5 năm, phụ thuộc vào quy mô và tính chất của nước thải.

THÀNH TRUNG thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới