Chủ Nhật, 10/12/2023, 18:41
32 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Cần cải thiện “luật chơi”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần cải thiện “luật chơi”

Ngọc Lan

Minh bạch, cải thiện hoạt động của khối DNNN là một trong những vấn đề được các nhà tài trợ quan tâm nhiều nhất. Ảnh: Lê Tiên.

(TBKTSG) – Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cuối kỳ 2010 với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội vào đầu tuần này đã chọn vấn đề minh bạch, cải thiện hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình đối thoại với Chính phủ Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà… đều khẳng định rằng việc chi tiêu ngân sách, tài chính công, quản lý DNNN đã được công khai, minh bạch hơn.

“Luật Kiểm toán độc lập mới được Quốc hội thông qua có dành hẳn một chương về kiểm toán đối với các doanh nghiệp có lợi ích công chúng và DNNN nằm trong số này”, ông Hà nói để trả lời yêu cầu của các nhà tài trợ về việc minh bạch hoạt động của khối DNNN.

Song điều phối viên của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, ông John Hendra, lại cho rằng: Việt Nam đang đánh đổi tăng trưởng bằng nhiều yếu tố chưa an toàn nên viễn cảnh kinh tế vĩ mô xấu đi và đang làm xói mòn niềm tin của công chúng và các nhà đầu tư quốc tế.

Đồng thời ông còn nhấn mạnh rằng những sự kiện trên lại xảy ra cùng lúc với những bê bối của tập đoàn Vinashin bị phanh phui, từ đó càng làm giảm niềm tin vào triển vọng kinh tế vĩ mô. Do vậy, để giải quyết các thách thức về quản lý cần phải cải thiện “luật chơi” cho khu vực DNNN thông qua việc đảm bảo bình đẳng trong quản lý đối với mọi loại hình doanh nghiệp.

“Chính phủ cần nhân cơ hội này giải quyết một cách có hệ thống các nhược điểm trong công tác quản trị và quản lý DNNN”, ông John Hendra đề xuất.

Các nhược điểm đó đồng thời là chủ đề xuyên suốt mà đại diện các nhà tài trợ đặt ra cho các nhà lãnh đạo Việt Nam. Từ đại sứ Úc Allaster Cox, Trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Ayumi Konishi, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế Masato Miyazaki, đại sứ Nhật Bản M. Sakaba, đại sứ Hàn Quốc Park Suk Hwan đều đặt ra những câu hỏi về biện pháp củng cố phương thức quản lý vốn nhà nước, đánh giá hiệu quả hoạt động của các DNNN như thế nào để không cản trở, chèn lấn sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân.

Thậm chí, đại sứ Úc còn đề nghị đại diện Chính phủ trả lời về các điều kiện cho phép DNNN tham gia vào các dự án đấu thầu chính phủ thế nào. Có nhà tài trợ nhận định việc phân định vai trò quản lý nhà nước và chủ sở hữu chính phủ ở Việt Nam chưa rõ ràng, dẫn đến kết quả là các DNNN chỉ quan tâm đến những hiệu quả đầu tư ngắn hạn hay các ngành nghề không phải sở trường của họ.

Dù Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Cao Viết Sinh và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết Chính phủ đang dần hoàn thiện các quy định để quản lý, công khai tài chính DNNN, tăng cường giám sát, rà soát ngành nghề kinh doanh, giải thể, sát nhập, cổ phần hóa các DNNN… nhưng đại diện các nhà tài trợ vẫn cho rằng các hành động cụ thể chưa cho thấy sự quyết tâm này.

Đại sứ Mỹ M.Michalak, quốc gia hiện đang dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhấn mạnh: “Khi nào chúng tôi mới thấy bản báo cáo tài chính của các DNNN được công khai theo đúng quy định của Chính phủ. Luật thì đã yêu cầu, nhưng vấn đề thực thi ra sao?”, ông hỏi. Vẫn theo ông M.Michalak, qua ba kỳ CG gần nhất, năm nào Chính phủ cũng cam kết cổ phần hóa DNNN mạnh hơn, nhưng thực tế không như vậy. Trong thời gian đó, các tập đoàn vẫn tiếp tục đầu tư tràn lan, lập nhiều công ty con khiến giới quan sát không hiểu mục tiêu cổ phần hóa thực chất là gì? Danh mục cổ phần hóa hàng năm ra sao và kênh nào để tiếp cận thông tin?

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc tiếp tục cam kết với các nhà tài trợ về lộ trình cổ phần hóa DNNN và minh bạch quá trình cải cách khối doanh nghiệp này qua các hình thức công khai quản lý tài chính và hiệu quả kinh doanh. “Chúng tôi sẽ khắc phục tốt vai trò chủ sở hữu và giám sát”, ông nói và bổ sung thêm rằng Vinashin là bài học đau xót của việc buông lỏng quản lý. “Chính phủ quyết tâm không để xảy ra sự cố Vinashin khác”, ông nhấn mạnh với các nhà tài trợ. Thế nhưng đại sứ Anh Antony Stokes vẫn để lại một câu hỏi: “Tôi không biết còn Vinashin nào khác trong các DNNN không và làm thế nào để chúng tôi tin điều đó?”.

* Sau hai ngày thảo luận, chiều hôm qua, 8-12, hội nghị CG cũng đã công bố con số ODA cam kết viện trợ cho Việt Nam lần này là 7,9 tỉ đô la Mỹ (xấp xỉ mức của năm ngoái 8 tỉ đô la).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới