Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần chuẩn hóa phương thức thanh toán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần chuẩn hóa phương thức thanh toán

Hoàng Xuân Phương

(TBVTSG) – Thương mại điện tử là thành phần tất yếu của nền kinh tế tri thức. Ở đó cũng có các loại chợ, từ trung tâm thương mại với các dịch vụ mua bán trực tuyến đến những siêu thị, tiệm tạp hóa. Các hình thái chợ điện tử được định nghĩa bởi cách thức thanh toán trực tuyến, nhưng sự phát triển của mỗi loại lại tùy thuộc vào: mức độ tín nhiệm (trust), điều kiện mua bán dễ dàng (ease), và chi phí dịch vụ thanh toán (cost) phải hợp lý.

Từ nhiều năm trước, báo cáo “Những hệ thống thanh toán trực tuyến của thương mại điện tử” (1) do Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đưa ra đã dự báo xu hướng phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trên quy mô toàn cầu. Điều trùng hợp là mỗi loại hình thanh toán lại thích hợp với một số loại chợ nhất định và điều này tạo nên động lực phát triển cho từng phân khúc thương mại điện tử.

Hiện nay có ba phương thức thanh toán trực tuyến chính là thanh toán dựa trên cơ sở tài khoản ngân hàng (account-based system), thanh toán bằng tiền điện tử (electronic currency system) và thanh toán cho các khoản mua lẻ thường nhật (micropayment). Trong mỗi phương thức có nhiều phương tiện thanh toán. Phương tiện ra đời sau thường được cải tiến tốt hơn, tích hợp nhiều chức năng hơn. Sự phong phú của các phương tiện cùng tính cạnh tranh sáng tạo là cơ hội cho người sử dụng chọn lựa.

Trong phương thức thanh toán dựa trên tài khoản ngân hàng thì dòng tiền chảy từ ngân hàng này đến ngân hàng khác hay đến tay người thụ hưởng theo yêu cầu của chủ tài khoản. Có năm loại hình giao dịch chính gồm thẻ tín dụng (credit card), thẻ ghi nợ (debit card), thanh toán qua nhà dịch vụ trực tuyến trung gian (mediating service), thanh toán di động hay qua điện thoại (mobile payment) và thanh toán qua ngân hàng trực tuyến (online banking).

Thanh toán bằng thẻ là phương tiện đơn giản và phổ thông ở hầu hết các nước. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy khuynh hướng này ở nước ta tăng lên rất nhanh, đạt đến 22 triệu thẻ do 47 tổ chức cung cấp tính đến quý 1-2010. Trong đó cơ cấu thẻ ghi nợ lên đến 96,76%, thẻ tín dụng chỉ chiếm 1,59%, còn lại là thẻ trả trước chiếm 1,65%.

Tỷ lệ thẻ tín dụng thấp chứng tỏ người tiêu dùng chưa được hưởng nhiều các khoản vay và ngân hàng mất đi phần lợi nhuận từ đó, đồng thời không góp phần thúc đẩy thương mại điện tử và giảm lượng tiền mặt.

Việc mua bán thông qua trang web thanh toán trung gian trở nên thông dụng cho nhiều cá nhân và nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi chủng loại hàng hóa tham gia thị trường trực tuyến ngày càng nhiều, việc chứng thực tài khoản trong môi trường ảo phức tạp và nhu cầu bảo mật cũng cao hơn.

Theo sau nhiều trang web thành công trên thế giới như PayPal, các nhà đầu tư công nghệ thông tin trong nước nay quan tâm đến dịch vụ thanh toán trung gian này, đặc biệt họ đã áp dụng cách thanh toán tạm giữ cho tới khi hàng trao tới tay và bảo hiểm tiền, hàng cho cả bên mua lẫn bên bán.

Gần đây nổi lên phương tiện thanh toán di động nhờ việc tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến vào các điện thoại cầm tay giúp cho người đi đường vẫn có thể mua sắm, đặt vé xe tàu hay trả tiền ta-xi. Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng than phiền vì cú pháp phức tạp khó nhớ và chi phí cho các tin nhắn không được thông báo rõ ràng.

Một phương thức thanh toán quan trọng là thông qua các tiện nghi ngân hàng trực tuyến (online banking) được Chính phủ đặc biệt quan tâm với việc ban hành các nghị định về chữ ký số. Nhưng việc cải tổ ngân hàng theo hướng này phải mất thời gian, kinh phí và đòi hỏi kinh nghiệm.

Trong phương thức thanh toán bằng tiền điện tử người tiêu dùng lấy tiền thật mua tiền ảo nơi một trang web hay thẻ thông minh (smart card) của một tổ chức rồi dùng chúng để chơi trò chơi trực tuyến (online game), mua đĩa nhạc… hay trang trải chi phí câu lạc bộ.

Gần đây các nhà cung cấp dịch vụ thực nghiệm nhiều mô hình thanh toán nhỏ nơi các cộng đồng dân cư bằng cách cấp thẻ tín dụng lãi suất nhẹ có chuẩn mua giới hạn về giá trị, thí dụ dưới 5 euro cho mỗi mặt hàng, rồi tăng dần mức chuẩn theo độ tín nhiệm. Phương thức thanh toán này có tính xã hội cao đồng thời giúp tăng nhanh doanh số bán hàng, nhất là hàng nhu yếu cho các gia đình.

Nổi lên trong tất cả phương tiện thanh toán là khả năng thu hút khách hàng (2) để tạo nên các chợ trực tuyến. Ba điều kiện để chợ phát triển gồm: mức độ tin cậy của các phương tiện thanh toán vì cả người mua và người bán đều không muốn rủi ro cho đồng tiền của mình; khả năng khách hàng tiếp cận thị trường vì các chợ chấp nhận thanh toán thẻ thường phát triển nhanh hơn do thủ tục đơn giản, nhưng khi đến các chợ phức tạp hơn người ta thường ủy thác giao dịch cho một dịch vụ trực tuyến trung gian; khách hàng sẽ so sánh chi phí giữa các phương tiện thanh toán, và giữa thanh toán trực tuyến với thanh toán truyền thống để chọn lựa phương cách mua bán.

Một vấn đề được đề cập đến trong “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt” ban hành theo Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg (3) là công tác truyền thông. Chúng ta biết rằng thương mại điện tử không chỉ là thay thế chợ truyền thống bằng chợ trực tuyến mà là mở ra chân trời mới trong xu thế toàn cầu hóa để mở rộng và thâm nhập sâu vào các thị trường. Vì vậy kiến thức về thanh toán trực tuyến cần được nhanh chóng phổ cập không chỉ nơi các doanh nghiệp mà cả trong các tầng lớp nhân dân cùng các cộng đồng dân cư.

________________________________

Tài liệu tham khảo:

(1) Online payment systems r e-commerce: http://www.oecd.org/dataoecd/37/19/36736056.pdf

(2) Online payment processing for small nonprofit: http://www.wildapricot.com/blogs/newsblog/archive/2009/02/06/online-payment-processing-for-the-small-nonprofit.aspx

(3) Đề án thanh toán không dùng tiền mặt: http://www.mediafire.com/?jvledbwmnev

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới