Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần có chính sách tái chế giấy loại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần có chính sách tái chế giấy loại

(TBKTSG) – Ở Việt Nam, theo Bộ Công Thương, gần 70% sản lượng giấy được sản xuất từ nguyên liệu tái chế. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nguyên liệu rẻ tiền này phần lớn lại không phải là kết quả của hoạt động thu gom phế liệu ở trong nước, mà phải nhập khẩu.

Trước đây, việc thu hồi giấy phế thải đáp ứng được 25-27% nhu cầu nguyên liệu sản xuất của các nhà máy trong nước, nhưng bốn năm gần đây tỉ lệ này đã giảm mạnh, còn khoảng 16-17%. Xu hướng này phần nào cho thấy hoạt động thu gom, tái chế rác thải nói chung chưa được khuyến khích và động viên đúng mức.

Ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề khuyến khích thu gom và tái chế rác thải được cụ thể hóa thành luật hoặc các quy định. Còn ở Việt Nam, cho đến nay chưa có bất kỳ quy định nào về thu gom và tái chế các vật liệu có thể tái chế được ở cấp độ Chính phủ, tỉnh, thành phố… trừ phong trào “Kế hoạch nhỏ”.

Tuy tái chế phế liệu chưa trở thành một ngành công nghiệp, nhưng hoạt động tái chế ở Việt Nam đã diễn ra từ rất lâu. Những hoạt động này là tự phát, không có định hướng phát triển, chưa được xã hội coi trọng.

Thời gian gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường được nói đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng lại ít đề cập đến việc thu gom và tái chế phế liệu. Trong khi đó, tái chế không chỉ làm giảm lượng rác thải ra môi trường, mà còn góp phần rất lớn vào việc tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính, giảm đất chôn lấp, giảm ô nhiễm nguồn nước.

Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam là một ví dụ. Trong quy hoạch này, vai trò của họat động thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng còn rất mờ nhạt.

Tỷ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở châu Á và Mỹ – 2007

Nước/Vùng lãnh thổ     Tỉ lệ (1)(%)

Mỹ                              87

Nhật Bản                     74

Đài Loan                      68

Hàn Quốc                    67

Thái Lan                      65

Malaysia                     61

Trung Quốc                 38

Ấn Độ                         28

Việt Nam                    16

(1) Tỷ lệ = Giấy đã dùng/Tổng lượng giấy tiêu dùng.

Hiện nay, hoạt động thu gom giấy và các sản phẩm công nghiệp đã qua sử dụng khác vẫn theo phương thức cổ điển và tự phát, hầu như hoàn toàn dựa vào đội ngũ những người đi lượm ve chai.

Cách đây sáu năm, ý tưởng đưa thu gom phế liệu giấy thành một hoạt động quy mô công nghiệp đầu tiên, sau ba năm triển khai, đã thất bại, vì thiếu cơ chế, chưa được các cơ quan chức năng ủng hộ và vì những vướng mắc trong chứng từ kế toán.Nhận thức chung của xã hội về việc sử dụng hợp lý hàng tiêu dùng, tận dụng lại những vật dụng còn sử dụng được, thanh lý, tái chế chưa cao, vừa gây lãng phí vừa làm ô nhiễm môi trường.

Chẳng hạn như thói quen thích sử dụng giấy có độ trắng cao, để lề văn bản quá rộng, dùng cỡ chữ lớn, ít sử dụng hai mặt giấy. Lượng giấy thải loại ở các văn phòng, trường học và hộ gia đình rất lớn nhưng không được tổ chức thu gom, phân loại một cách bài bản, mà đổ thẳng ra bãi chôn lấp.

Có thể thấy, xu hướng xử lý rác thải của Việt Nam hầu như chỉ chú trọng đến các biện pháp chôn lấp và xử lý hậu quả của bãi chôn lấp, mà chưa có biện pháp giảm lượng chất thải rắn phải chôn, trong khi đây là việc quan trọng cần làm trước trong chuỗi xử lý chất thải rắn.

Để có thể khắc phục dần bất cập này, cần có chính sách và giải pháp đồng bộ từ cấp trung ương. Cần xây dựng chương trình thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng với các mục tiêu cụ thể. Xác định cụ thể một số mặt hàng giấy phải có một lượng bột tái chế trong sản phẩm, hạn chế tối đa các sản phẩm giấy sản xuất từ 100% bột nguyên thủy.

Quy định độ trắng, định lượng giấy dùng trong các sản phẩm, ấn phẩm thông thường và các văn bản hành chính. Đề ra chuẩn về các văn bản hành chính thông thường (tiết kiệm hợp lý) và bắt buộc áp dụng trong cả nước. Khuyến khích hoạt động thu gom và tái chế giấy, đầu tư công nghệ mới cho tái chế giấy bằng các công cụ kinh tế. Công bố nhãn giấy thân thiện môi trường đối với giấy có lượng xơ sợi tái chế cao để người tiêu dùng dễ phân biệt và ủng hộ.

Không phải giấy nào cũng tái chế được

Các loại giấy sau đây không thể hoặc rất khó tái chế, do đó tốt nhất là nên hạn chế sử dụng: Giấy cảm nhiệt; giấy (tự) dính, băng keo; giấy trong suốt (để thuyết trình); giấy các bon; giấy bóng kính; giấy phủ chất dẻo hay sáp (hộp đựng sữa, nước giải khát; giấy gói kẹo; giấy gói ngoài ram giấy photocopy; hộp đựng cơm trưa, cốc và đĩa giấy; giấy lau, khăn lau đã dùng; giấy đựng sơn, hóa chất, thực phẩm…

Theo Bộ Công Thương  

VŨ NGỌC BẢO

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới