Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần có chính sách tổng thể phục hồi, tránh ‘đứt gãy’ kinh tế sau Covid-19

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thảo luận ở hội trường ngày 8-11, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều đề nghị với Chính phủ để có chính sách tổng thể phục hồi, tránh đứt gãy nền kinh tế sau Covid-19.

Đại biểu Quốc hội phát biểu trước hội trường Quốc hội ngày 8-11. Ảnh: quochoi.vn

Cần quan tâm tới lực lượng công nhân lao động

Ông Trần Văn Khải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, cho rằng để phục hồi ổn định phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động.

“Trước đây, việc kéo lao động từ nông thôn lên thành thị đã rất khó, sau dịch xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê. Doanh nghiệp không thể giữ được lao động, kể cả khi Chính phủ đã mở cửa. Đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước”, ông nói.

Ông Khải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc bao gồm không chỉ kết nối cung cầu lao động mà còn kiến tạo các động lực về cơ hội hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn. Tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

Ông cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trạm y tế và các công trình văn hóa, thể thao cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bà Nguyễn Minh Tâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng hai năm qua lao động đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng. Dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn nhiều tiềm ẩn phức tạp và khó khăn.

Vì thế, theo bà, Chính phủ cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa được trở lại bình thường.

Ông Nguyễn Văn Huy, đại biểu Quốc hội Thái Bình, cho rằng hệ lụy làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 là tỷ lệ người thất nghiệp và làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp để trở về quê hương…, tạo nghịch lý vấn đề lao động và việc làm vừa thiếu vừa thừa.

Để tập trung giải quyết vấn đề này, ông đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút được lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất, như ý kiến một số đại biểu cũng nêu. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương, có phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương mà chưa sẵn sàng quay trở lại các khu công nghiệp, thành phố lớn do tâm lý e ngại bởi đại dịch diễn biến phức tạp và cũng có giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự, tránh những bất ổn về mặt xã hội.

Theo ông Trịnh Xuân An, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Chính phủ cần triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất, nhất là các địa phương trọng điểm như Đồng Nai. Nhằm tháo gỡ các khó khăn, giúp cho doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, cần có các chính sách hỗ trợ trực tiếp mạnh mẽ hơn để không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động và chuyên gia. Cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn, không để xảy ra tình trạng người lao động ở lại quê, người nghèo lại phải nuôi người nghèo.

Phục hồi và phát triển du lịch

Theo bà Nguyễn Minh Tâm, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư gần như làm dừng hoàn toàn hoạt động du lịch trong mấy tháng gần đây. Do đó bà cho rằng để phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới, Chính phủ cần cân nhắc về phục hồi và phát triển du lịch.

“Chính phủ cần hỗ trợ tài chính trực tiếp và linh hoạt cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động du lịch và người dân kinh doanh dịch vụ công cộng, cộng đồng, tăng cường thanh khoản và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư, các khoản tín dụng gia hạn trả nợ”, bà nói.

Bên cạnh đó bà Tâm cho rằng Chính phủ cần tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả giữa chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội cho phục hồi và phát triển du lịch.

Theo ông Dương Tấn Quân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong những năm gần đây, du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng nhanh, liên tục. Tỷ trọng du lịch trong GDP có sự bứt phá rõ rệt, cụ thể là năm 2015 đạt 6,3%, 2016 đạt 6,9%, 2017 đạt 7,9%, 2018 đạt 8,3% và 2019 là 9,2%… Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch được coi là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch.

Để phục hồi du lịch, ông Quân đề nghị Chính phủ cần quan tâm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch về phát triển bền vững. Cơ cấu lại từ hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường, mục tiêu. Xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu. Đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương. Hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Qua tiếp xúc với các cử tri, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang, cho biết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay các doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần số giờ làm thêm lên mức 400 giờ/năm để các doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất kịp và bù các đơn hàng cho đối tác, đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động. Các doanh nghiệp mong muốn Quốc hội và Chính phủ có văn bản sớm cho việc này, bằng không doanh nghiệp rất lo lắng vì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đình chỉ sản xuất do quá giờ làm thêm.

Ông Trịnh Xuân An, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đề nghị Chính phủ cần có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi. Vai trò của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cần phải đánh giá kỹ hơn, nhất là khi đầu vào cho hoạt động của các doanh nghiệp đang có xu hướng tăng.

“Hiện nay chúng ta mới có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với các nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc đi vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. Gói vay 16.000 tỉ đồng, đến ngày 31-7-2020 kết thúc giải ngân thì chưa có đơn vị nào tiếp cận được nguồn vốn này – đây là báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu”, ông An nói.

Ôn Nguyễn Như So, đại biểu Quốc hội Bắc Ninh, đề nghị Chính phủ cần tập trung giải quyết các nút thắt quan trọng. Cần quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua. Nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng. Việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng cửa do dịch bệnh như khách sạn, nhà hàng thì việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực này thực sự là không có ý nghĩa.

Ông So nhận định, dịch bệnh còn diễn biến khó lường, doanh nghiệp cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 là khoảng 44% đến 45% so với GDP và khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4% là an toàn với trần nợ công 60% GDP. Do vậy còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô.

Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội Hà Nội, cho rằng để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, cần áp dụng cơ chế và các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư toàn xã hội. Cần rút gọn các thủ tục, quản trị rủi ro chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh tra, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thêm nữa, theo ông Lộc, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng cho nên hàm chứa nhiều rủi ro. Báo cáo của Chính phủ cũng cảnh báo tình trạng áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng. Do vậy, dư địa của chính sách tiền tệ là không còn nhiều. Cho nên biện pháp “tiếp máu” cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Và trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chỉ cần một trận đại dịch đã làm đảo ngược hoàn toàn xu hướng “ly nông lẫn ly hương”. Làn sóng người dân tháo chạy về quê hương một lần nữa cho thấy tính chất bấp bênh trong đời sống, việc làm và thu nhập của đại đa số người lao động có thu nhập thấp. Các địa phương có người dân quay về trước mắt có thể xem đây là gánh nặng của mình, nhưng nhìn kỹ lại thì đó chính là một cơ hội tốt để làm mới lại mô hình cơ cấu kinh tế. Lao động vẫn là yếu tố hàng đầu, là vốn quý nhât. Nếu địa phương không biết cách vượt qua được thử thách này thì chứng tỏ họ không có năng lực phát triển trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới