Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần có thêm chính sách ưu đãi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần có thêm chính sách ưu đãi

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Cần có thêm chính sách ưu đãi
Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung ở Bắc Ninh.

(TBVTSG) – LTS.: Sau khi đăng tải chuyên đề “Đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ cao” (10-12-2011), TBVTSG đã nhận được bài viết phản hồi của Luật sư Nguyễn Văn Hậu (*) . Tòa soạn xin trích đăng để bạn đọc tham khảo.

Trước xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, Việt Nam đang từng bước chuyển mình để thích ứng với xu thế chung. Một trong những bước chuyển tiêu biểu cho quá trình này là việc từng bước mở cửa thị trường, kêu gọi, chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao.

Theo quy định pháp luật đầu tư hiện hành của Việt Nam thì đầu tư vào công nghệ cao là một trong những lĩnh vực được hưởng chính sách ưu đãi. Cụ thể, Điều 27 Luật Đầu tư năm 2005 quy định đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao là lĩnh vực được ưu đãi. Quy định này không chỉ xuất hiện tại Luật Đầu tư mà còn thể hiện ở các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Theo đó, nhà đầu tư khi có dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao thì sẽ được hưởng rất nhiều khoản ưu đãi từ phía Nhà nước.

Ưu đãi chưa đủ

Theo quy định pháp luật đất đai hiện hành thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sử dụng đất dưới hình thức thuê, không được Nhà nước giao đất cũng như chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Việc mở cửa, đưa ra các chính sách ưu đãi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã mang lại nhiều thành quả quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước đã có hàng trăm dự án đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Cùng với đó, chúng ta cũng đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và bước đầu hình thành một số khu công nghệ cao tại Việt Nam.

Có thể nói, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao nói riêng và các lĩnh vực đầu tư khác nói chung của Việt Nam hiện nay có rất nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước cũng như phù hợp với tình hình quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thực sự coi Việt Nam là một điểm đến lý tưởng để đầu tư, kinh doanh. Thực tế này có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: có quá nhiều “đối thủ cạnh tranh” như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia…; điều kiện kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được sự đòi hỏi của nhà đầu tư; chính sách thu hút đầu tư, đội ngũ quản lý, thực hiện công tác thu hút đầu tư nước ngoài đang có nhiều điểm yếu kém, chưa đáp ứng được sự mong đợi của nhiều nhà đầu tư nước ngoài…

Thực vậy, chính sách ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghệ cao của nước ta vẫn chưa đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư quá lớn, công nghệ cao lại là một lĩnh vực mới nên khó dự đoán khả năng thành công… nên khi quyết định đầu tư, bên cạnh việc xem xét các yếu tố thị trường, nguồn lao động, nguyên liệu đầu vào… nhà đầu tư còn xem xét chính sách ưu đãi của Nhà nước. Chính sách ưu đãi của Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với các dự án đầu tư lớn, yếu tố ưu đãi cấu thành không nhỏ trong vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ…, nói chung là ảnh hưởng lớn tới sự thành công của dự án.

Để thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, thiết nghĩ trong thời gian tới Nhà nước cũng cần đưa thêm một số chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này như miễn, giảm tiền thuê đất…

Quản lý chưa thật sự tốt

Nguồn vốn đầu tư quá lớn, công nghệ cao lại là một lĩnh vực mới nên khó dự đoán khả năng thành công… nên khi quyết định đầu tư, bên cạnh việc xem xét các yếu tố thị trường, nguồn lao động, nguyên liệu đầu vào… nhà đầu tư còn xem xét chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao.

Tập đoàn Nokia đã ký bản thỏa thuận đầu tư với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án có vốn đầu tư lên tới 200 triệu euro (tương đương 276 triệu đô la Mỹ) tại tỉnh Bắc Ninh. Dự án này đã nhận được nhiều khoản ưu đãi của chính quyền tỉnh Bắc Ninh, trong đó có việc hỗ trợ tiền thuê đất hằng năm cho phần diện tích 17,25 ha trong toàn bộ thời gian hoạt động của nhà máy. Tỉnh Bắc Ninh cũng có công văn gửi Chính phủ xin phép áp dụng điều kiện ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao đối với dự án này. Tuy nhiên, Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này theo các quy định ưu đãi hiện hành đối với doanh nghiệp chế xuất, đến khi nào doanh nghiệp đủ điều kiện thì sẽ đăng ký để được cấp mức ưu đãi theo diện doanh nghiệp công nghệ cao.

TPHCM cũng gặp một trường hợp tương tự. UBND TPHCM có công văn gửi Chính phủ xin miễn tiền thuê đất cho dự án đầu tư của Tập đoàn First Solar về sản xuất pin năng lượng mặt trời với tổng giá trị dự án lên đến 1,2 tỉ đô la (ngày 4-11-2011, chủ đầu tư đã tuyên bố ngừng triển khai dự án này do sự mất cân bằng cung-cầu về năng lượng mặt trời trên thị trường toàn cầu) nhưng câu trả lời của Chính phủ vẫn tương tự như với trường hợp của Nokia.

Không cho phép các địa phương “phá rào” là nhằm ngăn chặn những tiền lệ xấu, không nhất quán trong chính sách đầu tư. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khăn, khi mà việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, là một nhiệm vụ không hề dễ dàng như hiện nay, thì thiết nghĩ Chính phủ cũng cần xem xét, nghiên cứu để xử lý linh hoạt đối với những dự án có ý nghĩa quan trọng, chiến lược, những dự án có nguồn vốn đầu tư lớn để vừa tiếp nhận cơ hội đầu tư vừa thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa thật sự làm tốt vai trò quản lý đầu tư nước ngoài, còn chạy theo số lượng dự án, “chuộng” các dự án có vốn cam kết lớn mà chưa nghiên cứu, làm rõ tính khả thi của dự án, chưa chú ý đến môi trường… cũng như chưa có sự quản lý chặt chẽ quá trình hình thành và đi vào hoạt động của dự án. Điều này đã dẫn đến việc nhiều dự án, trong đó có cả các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, bị “treo”, ví dụ như dự án Công viên Phần mềm Thủ Thiêm – liên doanh giữa Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (góp 20% vốn) và Công ty TA Associates International – mà UBND TPHCM vừa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Ngoài ra, có một thực tế nữa cần phải thừa nhận là hiện nay ở nước ta đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập, làm hạn chế khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, như: sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng, thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ, thiếu nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật và kỹ sư; việc đền bù cho việc thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập. Điều này đòi hỏi sự phối hợp, sự nỗ lực của các cấp, các bộ ngành liên quan và chính quyền các địa phương.

Điển hình cho khó khăn mà nhà đầu tư nước ngoài gặp phải nằm ở chính sách đất đai của Nhà nước. Theo quy định pháp luật đất đai hiện hành thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sử dụng đất dưới hình thức thuê, không được Nhà nước giao đất cũng như chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Trước quy định này, cùng với thực trạng thiếu hụt quỹ đất trống cho việc thực hiện dự án, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn giải pháp tình thế là mua nhà xưởng gắn liền với đất, rồi sau đó làm thủ tục thuê đất với Nhà nước hoặc công ty kinh doanh hạ tầng để làm địa điểm cho dự án đầu tư của mình. Nhưng không phải lúc nào nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể sử dụng được giải pháp tình thế nói trên để đăng ký địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại cơ quan cấp phép.

Trong trường hợp này, để giải bài toán giữ chân nhà đầu tư thì cơ quan cấp phép cần có sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan có thẩm quyền khác để tháo gỡ vấn đề. Giải pháp hợp lý nhất là cơ quan cấp phép nên cho phép nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc đăng ký địa điểm tại trụ sở và nhà xưởng được mua để thực hiện dự án đầu tư ngay mà không phải đợi đến khi doanh nghiệp bán nhà xưởng bị phát mại tài sản được chuyển sang địa điểm mới hoặc bị rút giấy chứng nhận đầu tư.

Định hướng

Để cho công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao hơn nữa, về mặt chính sách trong thời gian tới các nhà làm luật cần tiếp tục xem lại pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán; tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh; đưa thêm và công khai các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Trong công tác quản lý thì việc thu hút vốn đầu tư  nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao cần phải có định hướng, có chọn lọc và sự quản lý chặt chẽ để có sự phát triển đồng bộ.

_________________________________________________

(*) Ông Nguyễn Văn Hậu hiện là Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM.

Ưu đãi như thế nào?

Về thuế: Nhà đầu tư được hưởng thuế suất ưu đãi; thời hạn hưởng thuế suất ưu đãi, thời gian miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Nhà đầu tư được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, vật tư, phương tiện vận tải và hàng hóa khác để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Thu nhập từ hoạt động chuyển giao công nghệ đối với các dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư được miễn thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế.

Về việc sử dụng đất: Thời hạn sử dụng đất của dự án đầu tư không quá 50 năm; trong một số trường hợp thì thời hạn tối đa có thể lên tới 70 năm. Khi hết thời hạn sử dụng đất, nhà đầu tư còn có thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cho gia hạn sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nếu đáp ứng được một số điều kiện cụ thể. Và điều quan trọng hơn trong chính sách ưu đãi về việc sử dụng đất là nhà đầu tư được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về thuế.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được hưởng ưu đãi trong chính sách cho phép chuyển lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới