Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần công bố ngân hàng bán bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp chỉ với tư cách đại lý

Võ Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Năm 2022 là một năm khó của ngành ngân hàng. Là ngành có tính đại chúng, thông tin xấu về một doanh nghiệp, một cá nhân có liên quan đến ngành hoàn toàn có thể gây tác động xấu đến cả ngành, đặc biệt là đối với các ngân hàng có thực hiện các hoạt động không phải là nghiệp vụ chính của ngân hàng, như bán bảo hiểm, bán trái phiếu của các doanh nghiệp khác theo hình thức đại lý.

Ảnh: shutterstock

Hoạt động làm đại lý bán bảo hiểm của các ngân hàng thương mại (bancassurance) được pháp luật quy định rất rõ trong Luật các tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó, việc ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm là hành vi bị cấm theo điều 124 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi bổ sung 2010), và giao dịch do bị cưỡng ép sẽ bị vô hiệu theo điều 125 Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy vậy, từ khi các ngân hàng tham gia bán bảo hiểm, không ít người dân, doanh nghiệp vẫn khiếu nại việc ngân hàng ép người đi vay mua các gói bảo hiểm thì mới được tiếp cận khoản vay.

Từ sự mất cân bằng vị thế trong giao dịch, người đi vay (là bên yếu thế) buộc phải mua bảo hiểm để đạt mục đích tiếp cận khoản vay, chứ không hẳn các gói bảo hiểm có giá trị tốt. Bởi có rất nhiều trường hợp sau khi mua bảo hiểm tại ngân hàng thì người mua hủy hợp đồng bảo hiểm chỉ sau một thời gian ngắn (thường là ngay sau khi có đủ điều kiện hủy ngang và đã được tiếp cận khoản vay).

Đối với hoạt động bán, phát hành trái phiếu, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thường có mức cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường không chủ động tự bán trái phiếu bởi họ bán thì chưa chắc người dân đã mua. Họ thông qua kênh ngân hàng vì khách chọn mang tiền gửi ở ngân hàng cũng có nghĩa khách đã lựa chọn biện pháp an toàn nhất thay vì sinh lợi nhất.

Nếu trái phiếu của họ được ngân hàng giới thiệu ngay trong trụ sở của ngân hàng và từ phía nhân viên ngân hàng thì nhiều khách hàng dễ nhầm lẫn các sản phẩm đó do ngân hàng phát hành, hoặc ít nhất là được ngân hàng bảo đảm, dù thực tế ngân hàng chỉ là đại lý, là bên trung gian.

Theo quy định tại khoản 12 điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010, các nghiệp vụ của ngân hàng bao gồm: nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Các hoạt động này đối với ngân hàng thương mại được liệt kê tại điều 98 của luật này.

Hoạt động làm đại lý phân phối sản phẩm bảo hiểm hay trái phiếu không phải là hoạt động ngân hàng mà là một hoạt động thuộc nghiệp vụ ủy thác và đại lý được điều 106 luật này quy định.

Hiện không có quy định về nghĩa vụ của các ngân hàng phải công khai lợi ích giữa họ và các bên mà họ nhận làm đại lý phân phối sản phẩm tài chính, bảo hiểm đối với hoạt động ủy thác và đại lý nêu trên. Điều này khiến khách hàng khi giao dịch trực tiếp với nhân viên ngân hàng có thể không biết được rằng có một bên thứ ba tồn tại, và thực chất bên thứ ba đó mới là người mà khách hàng ký hợp đồng.

Vì vậy, theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung quy định về việc công khai lợi ích giữa ngân hàng và các bên mà ngân hàng nhận làm đại lý, đưa nội dung này thành bắt buộc trong quy trình giới thiệu sản phẩm của ngân hàng.

Từ đó khách thực hiện giao dịch tại ngân hàng có thể hiểu được bản chất thực sự của giao dịch trước khi đưa ra quyết định có ký kết hợp đồng hay không. Sự công khai minh bạch đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng được nhận tư vấn tài chính từ ngân hàng.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới