Cần đại biểu có quan hệ “máu thịt” với dân
Đá Bàn
(TBKTSG) – Quốc hội, do cử tri cả nước bầu ra, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Vì vậy, một Quốc hội đại diện đúng đắn cho quốc dân được chờ đợi trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIII sắp tới…
Thiếu quan hệ “máu thịt” với dân
Làm gì để có một Quốc hội am hiểu nguyện vọng của dân và là diễn đàn của dân? Làm sao để đại biểu Quốc hội có đủ khả năng để quyết định các hướng đi trên nhiều lĩnh vực của đất nước? Làm thế nào để trách nhiệm lập pháp của Quốc hội được chu toàn để bảo vệ quyền lợi của người dân, đảm bảo công bằng, xã hội có trật tự và đất nước phát triển bền vững?
Theo ông Đặng Văn Khoa, đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM, hệ thống các cơ quan dân cử (mà cao nhất là Quốc hội) chỉ mạnh khi có dân chủ thật sự. “Hơn mười năm làm người đại diện cho tiếng nói của người dân tôi thấy vấn đề dân chủ ngày càng được mở rộng nhưng thật sự vẫn chưa xứng tầm, chưa đáp ứng được những đòi hỏi từ thực tế xã hội. Bây giờ cần một môi trường bầu cử dân chủ hơn để khuyến khích, tạo điều kiện cho người có tâm, có tài, có thời gian, có sức khỏe vào các cơ quan dân cử”, ông nói.
Vì vậy, trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân tới đây, không ít ý kiến cho rằng quy định buộc các ứng viên phải thông qua tổ dân phố, Mặt trận tổ quốc… cũng như cách thức cơ cấu, giới thiệu ứng viên… cần phải được xem lại. Theo ông Khoa, không chỉ với những ứng viên tự ứng cử mà tất cả các ứng viên phải có tâm thế tự ứng cử. “Phải tránh trường hợp đã từng xảy ra với không ít ông nghị, bà nghị là: tổ chức phân công thì tôi ứng cử, trúng cử, chứ tôi đâu có muốn thế”, ông nói.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, đoàn luật sư TPHCM, cho rằng cử tri nên nói không với những đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội coi công việc họ đại diện cho tiếng nói của người dân là việc phụ (vì việc chính của họ là quản lý nhà nước ở các cơ quan hành chính). Thật vậy, có không ít đại biểu lơ là trong việc tiếp xúc với dân, tìm hiểu nguyện vọng của dân vì họ không còn thời gian sau những công việc của một quan chức trong bộ máy hành pháp; hoặc cũng có thể họ nghĩ rằng cử tri không quyết định đến cuộc sống vật chất cũng như sự thăng tiến của họ trong bộ máy hành chính.
Những đại biểu không có mối quan hệ khắng khít với dân được ông Khoa ví như “những thân xác héo khô tại nghị trường”. Vì theo ông Khoa, những người như thế thường đến nghị trường với một “cái đầu rỗng” và chỉ biết im lặng giơ tay biểu quyết. Ông Khoa cho rằng khi đã là đại biểu của dân thì phải coi việc đại diện cho tiếng nói của người dân là việc chính của mình, nếu không sẽ không xứng đáng với sự tin yêu của người dân đã dành cho mình. “Vì vậy, theo tôi, tiêu chuẩn hàng đầu để trở thành đại biểu của dân trong cuộc bầu cử tới đây là ứng viên phải có mối quan hệ máu thịt với nhân dân”, ông nói.
Trong khi ông Trần Minh Sơn, chuyên viên Bộ Tư pháp, thừa nhận sinh hoạt Quốc hội ngày càng tiến bộ nhưng nhiều đại biểu Quốc hội vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi của nhân dân. Trong đó, có nguyên nhân chính là do đại biểu kiêm nhiệm nhiều, đặc biệt số đại biểu trong hệ thống chính quyền kiêm nhiệm quá nhiều. “Một đại biểu kiêm nhiệm làm đúng trọng trách công chức đã rất vất vả, khó có thời gian và tâm trí để làm nhiệm vụ đại biểu. Theo tôi, số đại biểu là công chức kiêm nhiệm càng ít càng tốt”, ông Sơn nói.
Cần sự thay đổi
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH tiếp vận Oriental Việt Nam, cho rằng để có đại biểu Quốc hội xứng đáng là người đại diện của nhân dân thì người đại biểu đó phải thực sự do nhân dân chọn lựa. Muốn vậy cần mở rộng, khuyến khích đối tượng tự ứng cử thay vì như lâu nay nhân dân chỉ bầu xung quanh mấy đại biểu do UBMTTQ giới thiệu (rất ít người tự ứng cử vì ngại quy trình tranh cử phức tạp). Do đó, không hiếm cử tri có suy nghĩ “bầu cho ông nào cũng vậy thôi”! Không ít cử tri còn thờ ơ với kết quả bầu cử.
Theo ông Bình, một khi người đại biểu Quốc hội được nhân dân tín nhiệm và bầu làm đại diện cho mình, ắt sẽ có một Quốc hội thể hiện được nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Vì vậy, ông Khoa đề xuất: “Nên mở rộng số dư các ứng viên để người dân có nhiều sự lựa chọn.” Còn ông Lê Đình Quang, đại diện Tổ chức Cây Hòa Bình (Quảng Trị), thì kiến nghị: Để việc lập pháp được rõ ràng, không xung đột lợi ích, các đại biểu phải từ bỏ các chức vụ họ đang nắm giữ trong hành pháp trước khi ứng cử. “Vì lập pháp và hành pháp không thể lẫn lộn, một người không thể kiêm nhiệm hai chức vụ của hai ngành như nghịch lý chủ tịch tỉnh thì đương nhiên sẽ là đại biểu Quốc hội”, ông Quang nói.
Còn Giáo sư Phan Văn Trường thì cho rằng muốn đi tới được một quốc hội có đủ chức năng, do nước ta chậm tiến, cần phải mời nhiều tầng lớp xã hội tham gia. “Đại diện dân chúng đã đành, nhưng có lẽ cũng phải có đại diện các ngành như: công nghệ, canh nông, văn hóa, báo chí, nghệ thuật, ngân hàng, các doanh nghiệp nhỏ và trung bình, giới buôn bán… (Ví dụ như dự án đường sắt cao tốc, trong Quốc hội vừa qua không có đại biểu nào có khả năng chuyên môn về lĩnh vực này).
Thêm vào đó, có lẽ đã đến lúc phải đặt vấn đề người Việt tại nước ngoài. Cứ nói rằng họ là thành phần không thể tách rời được… Họ cũng có đến gần năm triệu dân nhưng có lẽ nhiều hơn về ảnh hưởng quốc tế, và nhiều hơn nữa về khả năng tài chánh. “Không bầu đại diện của họ vào Quốc hội là một sai lầm, vì sẽ có lúc cần có sự hỗ trợ của họ”, ông Trường nói.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Quốc hội có ba chức năng chính: chức năng lập pháp; chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Trong đó, chức năng thứ ba của Quốc hội khóa XII đã có những tiến bộ hơn hai chức năng kia. Để có sự phát triển cân bằng, Quốc hội khóa XIII nên chú trọng hơn vào việc kiện toàn cơ chế tổ chức cho hai chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề chiến lược của đất nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu hiện nay như giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, và phát triển đô thị.
Đề xuất của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (i) Liên thông giữa đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội: cho phép đại biểu HĐND tự ứng cử Quốc hội mà không cần điều kiện gì khác (như phải thông qua tổ dân phố và UBMTTQ). (ii) Quyền lợi và trách nhiệm của đại biểu: hầu hết các đại biểu Quốc hội đều kiêm nhiệm các chức vụ và công việc khác, do đó, không phải đại biểu nào cũng có thể tiếp dân thường xuyên. Nên có sự đăng ký trách nhiệm cụ thể về nghiên cứu các vấn đề cho Quốc hội và cam kết phần trăm thời gian hàng tuần dành cho công việc của Quốc hội hoặc tiếp dân của các đại biểu, chứ không chỉ tập trung làm việc vào các kỳ họp. Mỗi đại biểu nên được cung cấp phương tiện tương ứng với trách nhiệm và thời gian dành cho công việc của Quốc hội đã đăng ký nói trên (lương bổng, phụ cấp, ngân sách phục vụ nghiên cứu và đi lại, giờ làm việc cụ thể tại cơ sở công, và tiêu chuẩn văn phòng riêng với thư ký riêng cho các đại biểu sử dụng trên 80-100% thì giờ của mình cho công tác đại biểu quốc hội…). (iii) Đánh giá đại biểu Quốc hội: Vào đầu nhiệm kỳ, các đại biểu cần đăng ký các lĩnh vực mũi nhọn mình dự định sẽ đóng góp trong nhiệm kỳ của mình. Vào cuối nhiệm kỳ, các đại biểu cần tóm lược lại các kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ của mình. Thông tin này nên được công khai cho người dân trên mạng Internet. |