Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần đánh giá đúng thực trạng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần đánh giá đúng thực trạng

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Sản xuất linh kiện, phụ tùng xe gắn máy tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Để tái cấu trúc nền kinh tế thành công, trước hết cần phải đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế hiện nay. Đó có thể coi là điều kiện quan trọng nhất để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế.

Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án tái cấu trúc nền kinh tế để đảm bảo phát triển bền vững sau suy giảm. Đó là điều tất yếu khách quan vì trong suy giảm, suy thoái, bất kỳ nền kinh tế nào cũng bộc lộ dù ít hay nhiều những yếu kém từ bên trong với cấu trúc đã có của nó.

Đã có khá nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về yêu cầu, nội dung của tái cấu trúc nền kinh tế. Song, một vấn đề rất quan trọng còn ít được đề cập đó là: để tái cấu trúc nền kinh tế thành công, trước hết cần phải đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế hiện nay. Đó có thể coi là điều kiện quan trọng nhất để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế.

Bởi lẽ, tái cấu trúc nền kinh tế tức là chúng ta phải phá bỏ một số cơ cấu cũ, tạo ra những bộ phận cấu thành mới, xây dựng những quan hệ mới, tiến bộ giữa các bộ phận cấu thành của nền kinh tế. Sẽ không thể làm được điều đó hoặc sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu chúng ta không nhận diện, đánh giá đúng những yếu kém của cấu trúc hiện tại.

Chẳng hạn, nếu có một khu vực, một thành phần kinh tế nào đó đã bộc lộ quá nhiều yếu kém và không thể để tiếp tục tồn tại nhưng do chúng ta không hoặc cố tình không nhận thấy những yếu kém đó và vẫn coi đó là bộ phận tất yếu, thậm chí là rất quan trọng trong cấu trúc mới của nền kinh tế thì những yếu kém bên trong của nền kinh tế không những không được khắc phục mà còn có thể nhân lên, nghiêm trọng hơn sau khi tái cấu trúc…

Để có thể nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan những yếu kém của cấu trúc hiện hành, trước hết cần phải thống nhất nhận định rằng, cấu trúc của nền kinh tế hay bất kỳ một chỉnh thể nào cũng mang tính lịch sử. Cấu trúc đã hình thành hợp lý trong hôm nay nhưng hoàn toàn có thể bất hợp lý vào ngày mai.

Ở mỗi thời điểm lại xuất hiện những điều kiện khác nhau tác động, chi phối cơ cấu kinh tế. Và điều kiện mới sẽ đặt ra yêu cầu tổ chức, sắp xếp lại các thành phần của nền kinh tế hiện thời nhằm thích ứng với sự phát triển. Vì vậy, phải coi việc mổ xẻ, phân tích, chỉ rõ những yếu kém nội tại của nền kinh tế với cấu trúc hiện tại là việc làm bình thường và cần thiết khách quan.

Hơn nữa, để đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế phục vụ cho việc xác định đúng mục tiêu và nội dung của tái cấu trúc nền kinh tế, khi nghiên cứu, nhận định thực trạng, cần tôn trọng những nguyên tắc sau:

1. Khắc phục tình trạng chủ quan và áp đặt khi xây dựng và triển khai Đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Bởi lẽ, việc xây dựng, phê duyệt các đề án quan trọng của nền kinh tế quốc dân theo những ý muốn chủ quan, bất chấp các quy luật kinh tế khách quan đã và đang là căn bệnh kinh niên trong việc điều hành nền kinh tế nước ta.

2. Khắc phục “bệnh thành tích” trong đánh giá thực trạng của nền kinh tế. Căn bệnh này đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới tính khách quan trong điều hành và đánh giá tình hình nền kinh tế nói chung và việc điều hành ở từng lĩnh vực nói riêng. Chẳng hạn, khi đánh giá tác động của các “gói kích cầu”, chúng ta thường nhận được những thông tin đã có bao nhiêu tiền được giải ngân và giải ngân vào những đâu.

Song, hàng loạt câu hỏi được đặt ra và không ai trả lời như có bao nhiêu vốn kích cầu dùng để đảo nợ? Có hay không việc chuyển tiền từ số tiền vay trong “gói kích cầu” sang thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản? Hậu quả tất yếu hay mặt trái không thể khắc phục được đối với nền kinh tế từ việc bơm tiền ra lưu thông từ “gói kích cầu” là gì?…

3. Tái cấu trúc nền kinh tế có phạm vi rất rộng và tác động đến toàn xã hội. Vì vậy, đó phải là vấn đề của toàn dân, mà trước hết là các doanh nhân, chủ doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, giới trí thức… phải được đóng góp ý kiến thẳng thắn và xây dựng.

Một đề án lớn, phức tạp và có ý nghĩa quan trọng như vậy không thể là sản phẩm chỉ của một hoặc một số nhóm cán bộ, công chức, nhiều khi không bắt kịp, thậm chí xa lạ với thực tiễn cực kỳ đa dạng, phong phú của hoạt động kinh tế, kinh doanh.

Chúng ta dễ dàng đồng thuận trong các mục tiêu chung, xây dựng và bảo vệ đất nước, song chúng ta còn rất cần sự đồng thuận trong những vấn đề cụ thể về chiến lược và chính sách phát triển. Điều đó chỉ thực sự có được khi thông tin được minh bạch, khi quy trình chuẩn bị quyết định và ra quyết định được thực hiện một cách chặt chẽ và công tâm, khi những ý kiến trái ngược được cân nhắc nghiêm túc.

Tái cấu trúc kinh tế là gì?

Theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam (năm 2000), “Nếu hệ thống là sự liên kết các yếu tố có mối liên hệ qua lại và quy định lẫn nhau thì cấu trúc là thành phần cấu tạo, là tổ chức bên trong của một chỉnh thể thống nhất”.

Cũng theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam, cơ cấu kinh tế là “tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành”. Như vậy, có thể hiểu, tái cấu trúc nền kinh tế là một quá trình tổ chức lại cơ cấu kinh tế bằng cách hình thành mới, cắt bỏ đi, tăng hay giảm các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới