Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần đánh giá thiệt hại cho doanh nghiệp thủy sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần đánh giá thiệt hại cho doanh nghiệp thủy sản

Trung Chánh

Cần đánh giá thiệt hại cho doanh nghiệp thủy sản
Cần đánh giá thiệt hại của cả doanh nghiệp liên quan đến sự cố môi trường biển tháng 4 vừa qua. Trong ảnh là ngư dân đang đánh bắt cá. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Sau sự cố môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung, gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thời gian gần đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên tiếng yêu cầu các cơ quan liên quan cần đánh giá cả những thiệt hại mà doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này đang gánh chịu.

Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay, 26-8, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng vấn đề hiện nay là các cơ quan Nhà nước, bên cạnh việc đánh giá những thiệt hại của ngư dân, thì cần đánh giá cả những thiệt hại mà các doanh nghiệp thủy sản đang phải gánh chịu.

Tuy chưa có những số liệu chính thức về thiệt hại nhưng ông Hòe khẳng định: “Doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo ông, rõ ràng trong tình hình như hiện nay, nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp là rất khó, dù có thể hoạt động đánh bắt xa bờ vẫn an toàn. “Nhưng, do tâm lý vùng biển này (tại bốn tỉnh như đã nêu ở trên) đang bị ô nhiễm cho nên người ta không đánh bắt nữa hoặc di chuyển ra những ngư trường khác để đánh bắt”, ông cho biết.

Do không có nguyên liệu nên những hợp đồng doanh nghiệp đã ký không thực hiện được, còn công nhân thì không có việc làm. Trong khi đó, nhà nhập khẩu lại e ngại trong ký kết hợp đồng mới. “Về mặt tâm lý, nhập hàng từ một công ty ở vùng đang có vấn đề môi trường như vậy sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, ông nói.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đình Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Hà Tĩnh (Shatico) nói với VASEP, rằng sự cố môi trường do Formosa gây ra đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này.

Ông Nam cho biết trong tháng 8-2016 hoạt động thu mua nguyên liệu của Shatico chỉ đạt 228 tấn, bằng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Doanh số của đơn vị này trong năm nay chỉ đạt 1,4 triệu đô la Mỹ, giảm đến 1 triệu đô la so với cùng kỳ .

Cũng theo ông Nam, hiện tại ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt lại, nên nhiều khả năng từ tháng 9 tới, công ty sẽ ngừng hoạt động.

Trong khi đó, ông Hòe của VASEP, cho biết trên cơ sở đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. “Tức là Nhà nước đang đánh giá thiệt hại của ngư dân, thì nên đánh giá thêm những tác động đến với các doanh nghiệp, để trên cơ sở đó có hỗ trợ chính sách cho hợp lý”, ông Hòe một lần nữa nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, trước đó, ngày 23-8-2016 VASEP đã có công văn số 135/2016/CV-VASEP gửi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản và ngư dân 4 tỉnh miền Trung như đã nêu ở trên.

Công văn này nêu rõ, từ tháng 4-2016, sự cố ô nhiễm môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng rất lớn và gây thiệt hại nặng nề đến mọi mặt kinh tế. Tính riêng với ngành thủy sản, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản của ngư dân, doanh nghiệp nói riêng và thị trường xuất khẩu nói chung. Trên cơ sở đó, VASEP kiến nghị Chính phủ và các bộ có sự can thiệp đối với Formosa phải có trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người dân ở 4 tỉnh miền Trung.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới