Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần đổi mới hoạt động thống kê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần đổi mới hoạt động thống kê

Nguyễn Quán

(TBKTSG) – Nguyên tắc đầu tiên trong sáu nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê đã được quy định trong Luật Thống kê là: “Bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời trong hoạt động thống kê”. Nhưng trong thực tế, cũng có những ý kiến khác nhau của người sử dụng về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của các thông tin thống kê.

Theo kết quả điều tra nhu cầu thông tin trên phạm vi cả nước do Tổng cục Thống kê tiến hành vào tháng 9-2008 với gần 13.000 phiếu điều tra là những người sử dụng thông tin thống kê (TTTK) thuộc các ngành nghề khác nhau, vị trí công tác khác nhau đã ghi nhận một số kết quả đáng chú ý.

Về độ tin cậy của TTTK, có 27,2% trả lời là tin cậy, 67,1% trả lời tương đối tin cậy. Về tính đầy đủ của TTTK, có 15,2% trả lời là đầy đủ, 68,2% trả lời là chưa đầy đủ. Về tính kịp thời của TTTK thì có 13,9% trả lời là rất kịp thời, 67,5% trả lời là tương đối kịp thời. Phần còn lại là những ý kiến đánh giá các TTTK ít tin cậy, chưa đầy đủ, chưa kịp thời.

Tất nhiên những người sử dụng ở các ngành nghề khác nhau, vị trí công tác khác nhau thì đánh giá cũng sẽ khác nhau. Thí dụ, các doanh nhân, các nhà đầu tư đòi hỏi tính tin cậy, kịp thời của TTTK cao hơn, nên chỉ có 20,5% trả lời là tin cậy, 10,6% trả lời là rất kịp thời.

Trong khi đó, các nhà báo đòi hỏi tính kịp thời cao hơn, nên chỉ có 8,2% trả lời là rất kịp thời; còn các nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên có thể do yêu cầu tính đầy đủ và độ tin cậy không cao hơn các ngành nghề khác, nên tỷ lệ đánh giá mức độ tin cậy, tính đầy đủ cao hơn các ngành nghề khác.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tình trạng chênh lệch số liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, các ngành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trở thành “vấn nạn” của ngành thống kê. Thí dụ, một thống kê quan trọng, được rất nhiều người quan tâm là chỉ tiêu GDP. Năm 2000, Tổng cục Thống kê công bố mức tăng trưởng kinh tế cả nước là 6,9%, nhưng tổng hợp số liệu 63 tỉnh, thành lại là 9,3% (?); năm 2007 cũng theo thứ tự trên là 8,5% và 11%.

Nếu theo số tuyệt đối, theo giá so sánh, năm 2000 GDP cả nước được cộng từ báo cáo của 63 tỉnh, thành lớn hơn GDP do Tổng cục Thống kê tính 5,67%, năm 2005 là 24,57% và năm 2007 chênh lệch lên tới 31,76%.

Theo Tổng cục Thống kê, có một số nguyên nhân dẫn đến sai lệnh số liệu thống kê như việc áp dụng đơn vị thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố còn bất cập và chưa thống nhất; giá và chỉ số giá để tính các chỉ tiêu tổng hợp theo tỉnh, thành phố còn bất cập; phương pháp tính chưa đồng nhất; nguồn thông tin sử dụng tính toán chưa đầy đủ và phù hợp; việc kiểm tra, giám sát Cục Thống kê các tỉnh, thành còn nhiều hạn chế… Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân phi thống kê như tính độc lập và khách quan của TTTK chưa được tôn trọng; ý thức chấp hành luật pháp trong lĩnh vực thống kê chưa nghiêm; năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ thống kê còn hạn chế…

Việc chỉ rõ ra các nguyên nhân dẫn đến chênh lệch số liệu thống kê sẽ là cơ sở để khắc phục những sai sót. Vấn đề là phải có quyết tâm, mà trước hết là từ những người trực tiếp làm công tác thống kê. Hy vọng vấn nạn của ngành thống kê sẽ từng bước được giải quyết trong quá trình thực hiện Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê mới được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 312/QĐ-TTg, ngày 2-3-2010.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới