Cân đối quan hệ tích lũy - tiêu dùng
(TBKTSG) - Xu hướng tăng tích lũy, giảm bớt tỷ lệ tiêu dùng là đúng, tuy nhiên nếu so sánh Việt Nam với nhiều quốc gia trong khu vực, trước hết là các nước ASEAN, mới thấy tình hình ở Việt Nam có nhiều điểm khác và dường như đi ngược xu hướng chung.
Tỷ lệ tích lũy của Việt Nam trong GDP tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước, trong khi ở các nước ASEAN và cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản không tăng đều như vậy, có những năm tỷ lệ này bị giảm (chẳng hạn, tỷ lệ này của Trung Quốc năm 2003: 44,3%, năm 2004: 45%, năm 2005: 43,36%)...Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tích lũy so với GDP của Việt Nam như sau:
1985 |
1990 |
1995 |
2000 |
2001 |
2002 |
2003 |
2004 |
2005 |
2006 |
2007 |
12,0% |
14,4% |
27,1% |
29,61% |
31,17% |
33,22% |
35,44% |
35,47% |
35,58% |
36,81% |
41,65% |
- Tỷ lệ tích lũy trên GDP của Việt Nam từ năm 2000 về trước còn thấp hơn Trung Quốc và một số nước ASEAN (như Singapore, Thái Lan, Malaysia...), nhưng từ 2001 đến nay nước ta chỉ còn đứng sau Trung Quốc. Tỷ lệ tích lũy cao là cần thiết trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, và cho đến năm 2005, nước ta vẫn thuộc nhóm 60 nước có nền kinh tế thu nhập thấp như phân loại của Liên hiệp quốc.
- Tỷ lệ tích lũy cao của Việt Nam đã góp phần quan trọng để tăng trưởng kinh tế, nhưng nhiều nước trong ASEAN như Singapore, Campuchia, Malaysia... tuy tỷ lệ tích lũy thấp hơn nhiều song lại có tỷ lệ tăng trưởng khá cao, trên 7% (năm 2004), xấp xỉ Việt Nam hoặc cao hơn Việt Nam, chưa kể Trung Quốc càng cao hơn.
- Tích lũy chủ yếu được sử dụng để tăng tài sản thuộc ba nhóm: tài sản cố định (tỷ lệ tích lũy tài sản cố định từ năm 2001 đến nay luôn chiếm trên 1/3 GDP), tài sản lưu động, tài sản quý hiếm. Việc tăng tài sản chính là kết quả của đầu tư và xét cho cùng sẽ góp phần (cùng với lao động, khoa học, công nghệ...) làm tăng trưởng kinh tế. Nhưng tỷ lệ tích lũy cao trong khi tăng trưởng kinh tế không tương xứng là do hiệu quả sử dụng vốn đầu tư không cao, nói một cách khác là hiệu quả đầu tư thấp. Điều này biểu hiện qua hệ số ICOR, hệ số này càng cao chứng tỏ hiệu quả đầu tư càng thấp.
Ở nước ta, những năm 1996-1997 hệ số ICOR dưới 4, nhưng từ năm 2001 đến nay đã vượt trên 5 (2006: 5,04; năm 2007: 5,38). Còn ở Malaysia từ 1981-1995, GDP tăng trung bình 7,2%, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP chỉ chiếm 32,9%, do đó hệ số ICOR là 4,6. Tương tự, các con số tương ứng của Thái Lan giai đoạn 1981-1995 là 8,1%, 33,3%, 4,1; của Hàn Quốc từ năm 1961-1980 là 7,9%, 23,3%, 3; và của Trung Quốc từ 2001-2006 là 9,7%, 38,8% , 4 (*).
- Việc tăng tích lũy tài sản tất yếu làm giảm tiêu dùng (tỷ lệ tiêu dùng so với GDP năm 2000 là 72,87%, đến năm 2006 chỉ còn 69,38% và năm 2007 là 70,92%), mà trước hết là giảm tiêu dùng của cá nhân (giai đoạn 2000-2003 là trên 66,2%, 2006-2007 chỉ còn dưới 64,85%) và sau đó là tiêu dùng nhà nước.
Quan hệ tích lũy - tiêu dùng là một mối quan hệ cân đối vĩ mô, mà các nhà quản lý và điều hành đất nước phải quan tâm hàng đầu, nhưng luôn là bài toán khó cho mọi quốc gia, nhất là nước ta đang còn thuộc nhóm nước thu nhập thấp. Do đó vấn đề đặt ra là phải cân đối tích lũy và tiêu dùng sao cho hợp lý nhất, hiệu quả nhất, trong đó đặc biệt chú ý tới đầu tư công.
NGUYỄN QUÁN (*)
(*) Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia: “Nâng cao hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam”, tháng 7-2008. Vấn đề đặt ra là phải tích lũy và tiêu dùng sao cho hợp lý nhất, hiệu quả nhất, trong đó đặc biệt chú ý tới đầu tư công.