Thứ Ba, 26/09/2023, 19:02
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Cần đưa “quản trị công ty” vào khu vực nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần đưa “quản trị công ty” vào khu vực nhà nước

Hồng Phúc

Nhiều ý kiến cho rằng khu vực doanh nghiệp nhà nước dường như vẫn xa rời các khái niệm về quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp. (Ảnh: Nguyên Vũ)

(TBKTSG Online) – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung, cho rằng “Cần cấp bách đưa khái niệm Quản trị công ty (Corporate Governance) vào khu vực nhà nước”.

Tại lễ công bố Cẩm nang quản trị công ty và thảo luận kết quả sơ bộ về thẻ điểm Quản trị công ty được Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Cung nhận định rằng, việc đưa ra các chuẩn mực về quản trị công ty tại Việt Nam là hết sức cần thiết, song cần nhất là làm sao đưa khái niệm này vào khu vực nhà nước nhiều hơn nữa.

Ông Cung cho rằng, quản trị công ty tại Việt Nam thể hiện trên giấy tờ tương đối tốt nhưng thực tế có những điểm không đều. Phần lớn, tiến bộ trong quản trị công ty thể hiện ở khu vực các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, các khu vực kinh tế khác chưa có tiến bộ nhiều. Và khu vực đáng lẽ phải tiến bộ và xã hội kỳ vọng nó tiến bộ là khu vực nhà nước lại chưa có tiến bộ nào.

“Khái niệm này gần như chưa hiện diện ở công ty nhà nước. Chưa có nhiều cơ quan nhà nước cổ súy cho khái niệm này. Chúng tôi chưa nhìn thấy vai trò của các hiệp hội trong việc cổ súy cho quản trị công ty. Người đi tiên phong trong quản trị công ty ở Việt Nam chưa nhiều và cần nhiều hơn nữa”, ông Cung nói.

Ông cũng cho rằng, sự việc xảy ra ở Vinashin đã thể hiện sự thất bại của quản trị công ty trong khu vực nhà nước. Thất bại trước hết là thất bại về nhận thức và hiểu biết về quản trị. Ngay cả với người có trách nhiệm, khi trả lời trước Quốc hội về trường hợp Vinashin, dường như vẫn còn một khoảng trống trong nhận thức và hiểu biết về quản trị.

Theo ông Cung, vì doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam rất lớn cho nên nếu nâng được hiệu lực quản trị công ty ở khu vực này thì không những kéo theo hiệu quả tốt cho nền kinh tế mà còn làm cho các giao dịch của khối này (vốn rất nhiều) sẽ mang tính thị trường hơn, cạnh tranh hơn, minh bạch hơn, bớt đi những giao dịch thiếu kiểm soát. “Với cách nhìn như thế tôi cho rằng nên tìm kiếm các đối tác nhà nước để đưa quản trị công ty vào. Nhận thức của những người có trọng trách rất quan trọng, đặc biệt trong cơ quan nhà nước”, ông Cung nói.

Đồng ý với Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một đại diện đến từ doanh nghiệp cho rằng, ta cần “gõ một tiếng chuông ban đầu”.

Trong dịp này, IFC cũng đã công bố hai ấn phẩm hợp tác xuất bản cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với mục tiêu góp phần nâng cao các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty ở Việt Nam, gồm “Cẩm nang Quản trị Công ty”“Thẻ điểm Quản trị Công ty Việt Nam”.

“Các doanh nghiệp có chất lượng quản trị công ty tốt sẽ có nhiều điều kiện hơn trong huy động nguồn tài chính từ bên ngoài, nâng cao mức lợi nhuận, cũng như tuyển dụng và giữ chân nguồn nhân lực có chất lượng,” ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan phát biểu.

“Chúng tôi hy vọng cuốn cẩm nang và thẻ điểm này sẽ cung cấp các hướng dẫn và chuẩn mực cho cả khối doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong việc áp dụng các thông lệ quản trị tốt một cách minh bạch, kịp thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hội nhập hơn nữa vào thị trường thế giới đang ngày càng mang tính chọn lọc và cạnh tranh cao hơn.”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới