Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần đưa thừa phát lại vào văn bản pháp luật có liên quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần đưa thừa phát lại vào văn bản pháp luật có liên quan

Quang Chung

Cần đưa thừa phát lại vào văn bản pháp luật có liên quan
Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Bình Thạnh

(TBKTSG Online) – Trước thềm Hội nghị triển khai Nghị quyết 107 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 11-7, TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng thừa phát lại Bình Thạnh, TPHCM về môi trường kinh doanh của loại hình dịch vụ công do tư nhân thực hiện và còn khá mới mẻ này.

TBKTSG Online: Tháng 5-2010, Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh là một trong những văn phòng đầu tiên được thành lập tại TPHCM. Qua sáu năm hoạt động, ông thấy văn phòng của mình hoạt động có hiệu quả không?

Ông Lê Mạnh Hùng: Với 21 nhân viên (5 thừa phát lại, 9 thư ký nghiệp vụ…) chúng tôi đã tống đạt được gần 80.000 văn bản (72.058 văn bản của tòa án, 7.030 văn bản của cơ quan thi hành án dân sự) với tổng phí hơn 4,2 tỉ đồng; lập hơn 2.000 vi bằng với doanh thu hơn 4,3 tỉ đồng.

Đối với xác minh điều kiện thi hành án chúng tôi đã tiếp nhận 60 vụ việc, thực hiện được (có kết quả xác minh) 58 vụ việc, không thực hiện được 2 vụ việc, thu phí gần 350 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn trực tiếp thụ lý thi hành án dân sự (thụ lý 62 vụ việc, đã chấm dứt thi hành 37 vụ việc) với giá trị thi hành án gần 212 tỉ đồng, phí thi hành án hơn 500 triệu đồng…

Như vậy, bình quân một năm Văn phòng thừa phát lại của ông thu phí dịch vụ chưa đến một tỉ đồng, mỗi tháng chỉ khoảng 70 triệu đồng…

– Hiện nay người dân chưa biết nhiều về nghề thừa phát lại và các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp. Nhưng, tôi hy vọng thời gian tới, khi người dân hiểu nhiều hơn về các công việc mà chúng tôi làm, thì mọi chuyện sẽ khác.

Vậy, ông có thể nói tóm tắt những công việc, dịch vụ mà thừa phát lại có thể “giúp đỡ” người dân, doanh nghiệp?

– Ngoài việc tống đạt văn bản của tòa án, cơ quan thi hành án đến người dân, doanh nghiệp, chúng tôi còn trực tiếp giúp người dân, doanh nghiệp lập vi bằng – dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Vi bằng do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi có thật mà thừa phát lại chứng kiến, trong đó, thừa phát lại mô tả lại những gì mình thấy được, nghe được,… vào vi bằng, kèm theo có thể là hình ảnh, quay phim để làm rõ thêm sự kiện lập vi bằng như là chụp lại một sự kiện, hành vi.

Tôi nhận thấy, dịch vụ lập vi bằng là thế mạnh của thừa phát lại (ngoài thừa phát lại, không có một hệ thống cơ quan nào giúp người dân xác lập chứng cứ theo yêu cầu), bởi, theo quy định, "vi bằng do thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật".

Thực tế, người dân, doanh nghiệp có thể nhờ thừa phát lại lập vi bằng khi ký kết giao dịch, thỏa thuận; mô tả hiện trạng nhà; ghi nhận lời khai của người làm chứng; ghi nhận hành vi, thời điểm mua bán; ghi nhận cuộc họp của công ty; ghi nhận việc xâm phạm sở hữu trí tuệ… để tự bảo vệ mình trong trường hợp có phát sinh tranh chấp.

Còn “chức năng” xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp thi hành án dân sự của thừa phát lại thì thế nào?

– Thừa phát lại được kỳ vọng như một lực lượng mới có thể sẻ chia trách nhiệm với hệ thống cơ quan thi hành án hiện hành, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức thi hành án, tạo thêm cho người dân quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất cho mình.

Mặc dù số lượng việc thi hành án các văn phòng thừa phát lại thụ lý còn thấp, nhưng bước đầu đã được sự thừa nhận và tin tưởng của xã hội, số lượng thụ lý việc thi hành án của thừa phát lại ngày càng tăng, một số việc có giá trị đặc biệt lớn như điển hình là văn phòng thừa phát chúng tôi đã thụ lý tổ chức thi hành án theo đơn yêu cầu của một công ty tài chính với giá trị về tiền lên đến gần 150 tỉ đồng.

Còn xác minh điều kiện thi hành án là vấn đề tiên quyết trong việc tổ chức thi hành án nhưng thường người dân không có đủ điều kiện để thực hiện. Do đó, với sự ra đời của các văn phòng thừa phát lại, người dân có thêm công cụ hỗ trợ tích cực cho việc xác minh, truy tìm tài sản phải thi hành án nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự.

Nhưng nhìn vào số lượng vụ việc (lập vi bằng, thi hành án) mà các văn phòng thừa phát lại thực hiện còn quá khiêm tốn. Theo ông, vấn đề của nó là gì?

– Thừa phát lại hoạt động nhưng hiện chưa có Luật Thừa phát lại, do đó dẫn đến tình trạng không đồng bộ với các văn bản pháp luật khác; các tổ chức, cá nhân liên quan chưa thật sự thực hiện các yêu cầu của thừa phát lại dẫn đến hoạt động của thừa phát lại thiếu hiệu quả, giảm lòng tin của người dân vào chế định này.

Trong khi, công tác tuyên truyền chưa đủ sâu, rộng; người dân chưa thật sự biết, hiểu, tin tưởng vào hoạt động của thừa phát lại. Do đó, một số hoạt động như tổ chức thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại còn ít việc để làm, chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng cũng như vấn đề về đăng ký vi bằng, đúng không thưa ông?

– Đúng. Các cơ quan chức năng còn chưa thống nhất được một số vấn đề như: Có được lập vi bằng liên quan đến hợp đồng, giao dịch? Có được lập vi bằng ghi nhận lời khai, lời trình bày, cuộc họp? Có được lập vi bằng liên quan đến các hành vi, sự kiện của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp các sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng? Có bắt buộc thừa phát lại phải biết mục đích của người yêu cầu lập vi bằng và mục đích đó không trái với pháp luật? Có nên giới hạn phạm vi lập vi bằng trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi văn phòng thừa phát lại có trụ sở? Có nên tiếp tục thủ tục đăng ký vi bằng và thủ tục đăng ký như thế nào?…

Ông có thấy hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án của thừa phát lại yếu vì thiếu quyền?

– Hiện tại số việc thi hành án của thừa phát lại thụ lý quá thấp so với khả năng của văn phòng và nhu cầu của xã hội. Bởi vì, công tác phối hợp giữa văn phòng thừa phát lại và các cơ quan có thẩm quyền liên quan chưa tốt (cơ quan thuế, ngân hàng, đăng ký quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương, ban quản lý dự án …).

Hơn nữa, thông tư liên ngành (03) chỉ quy định về việc xác minh tài khoản, mà không quy định thẩm quyền phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản, gây khó khăn cho hoạt động thi hành án của thừa phát lại. Đặc biệt, về thẩm quyền cưỡng chế có sử dụng lực lượng của thừa phát lại chưa được đảm bảo.

Đối với hoạt động xác minh điều kiện thi hành án thì khó khăn chung là thiếu sự phối hợp, cung cấp thông tin của người phải thi hành án từ các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan thuế, ngân hàng, ban quản lý dự án… Các cơ quan này từ chối cung cấp thông tin cho thừa phát lại, nhưng không trả lời bằng văn bản.

Vậy, theo ông, Nhà nước cần có chính sách như thế nào để các văn phòng thừa phát lại phát triển nhanh?

– Hiện thừa phát lại chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về xã hội hóa (như một số lĩnh vực khác). Các văn phòng thừa phát lại mới chỉ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian thí điểm. Thực tế cho thấy, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng về tài chính, các văn phòng thừa phát lại vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để đẩy mạnh hoạt động của các văn phòng thừa phát lại trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cần có chính sách phát triển phù hợp để khuyến khích, thu hút nhiều nguồn lực tham gia vào hoạt động thừa phát lại.

Thứ nữa là cần đưa thừa phát lại vào các văn bản pháp luật có liên quan như Luật luật sư, Luật công chứng… như là một chức danh tư pháp có thể được miễn đào tạo khi bổ nhiệm luật sư, công chứng viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nhân sự tham gia hoạt động thừa phát lại. Cũng như có cơ chế để thừa phát lại tiếp cận người có nhu cầu tổ chức thi hành án, từ đó nâng cao số lượng việc thi hành án của thừa phát lại.

Cụ thể là: (i) Ghi rõ trong bản án/quyết định của tòa án nội dung: Bản án này có thể được thi hành án tại chi cục thi hành án dân sự hoặc văn phòng thừa phát lại có thẩm quyền; (ii) Quy định việc thừa phát lại được quyền nhận bản án/quyết định từ tòa án để tự tiếp xúc, giới thiệu chức năng thi hành án của mình đến cá nhân, tổ chức có nhu cầu tổ chức thi hành án; (iii) Chi cục thi hành án dân sự nơi văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở tạo điều kiện, bố trí chỗ ngồi để thừa phát lại cùng tiếp dân, để người dân được quyền tự do chọn lựa cơ quan tổ chức thi hành án cho mình…

Ngoài ra, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật Thừa phát lại để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến các chức năng của thừa phát lại; cũng như hoàn thiện cơ chế phối hợp, hỗ trợ, cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…

Kiến nghị của Sở Tư pháp TPHCM về thừa phát lại

Thực trạng

Hiện nay, TPHCM có 11 văn phòng thừa phát lại đang hoạt động với tổng số 46 thừa phát lại hành nghề, 79 thư ký nghiệp vụ và 51 nhân viên khác.

Kết quả hoạt động của các văn phòng thừa phát từ năm 2010 đến tháng 5-2016 như sau:

– Về tống đạt: các văn phòng thừa phát lại đã thực hiện tống đạt 620.935 văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, với tổng chi phí thu được là 44.821.979.699 đồng.

– Về lập vi bằng: các văn phòng thừa phát lại đã lập 50.768 vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, với doanh thu 60.065.021.704 đồng.

– Về xác minh điều kiện thi hành án: các văn phòng thừa phát lại đã thực hiện 530 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự với doanh thu là 2.757.117.000 đồng.

– Về trực tiếp tổ chức thi hành án: các văn phòng thừa phát lại đã thụ lý 377 vụ việc thi hành án theo yêu cầu của đương sự với giá trị thi hành án về tiền là 447.387.786.563 đồng; có doanh thu 2.460.491.455 đồng.

Mặt được

– Việc triển khai thực hiện chế định thừa phát lại tại thành phố đảm bảo đúng chủ trương về cải cách tư pháp, huy động được nguồn lực xã hội trong việc xã hội hóa một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

– Các cơ quan có liên quan ở địa phương đồng thuận về chủ trương và phối hợp tốt trong quá trình triển khai thực hiện chế định thừa phát lại. Đồng thời, việc thực hiện chế định thừa phát lại đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân và dư luận xã hội nói chung.

– Quá trình triển khai thực hiện chế định thừa phát lại rất chặt chẽ, công tác sơ kết, tổng kết được thực hiện thường xuyên, bài bản, đánh giá chính xác kết quả đạt được, hạn chế và đề ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Mặt chưa được và nguyên nhân

– Về thể chế: mặc dù Quốc hội đã thông qua Nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại nhưng đến nay các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương vẫn chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành về thừa phát lại (được áp dụng trong thời gian thí điểm) cho phù hợp với điều kiện thực hiện chính thức hiện nay.

– Về nhận thức: mặc dù đã có nhiều giải pháp thực hiện nhưng đến nay vẫn còn một số ít cán bộ, công chức băn khoăn, nhận thức các văn phòng thừa phát lại là tổ chức tư nhân (phi nhà nước) nên thiếu hợp tác với các văn phòng thừa phát lại, đặc biệt là trong hoạt động thi hành án.

– Công tác thanh tra tổ chức hoạt động của văn phòng thừa phát lại chưa thể tiến hành và chưa có biện pháp chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động thừa phát lại.

– Về hoạt động của thừa phát lại: nhìn chung, trong thời gian đầu thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13, các văn phòng thừa phát lại gặp khá nhiều áp lực, khó khăn. Một số văn phòng phải cắt giảm biên chế lao động trong hoạt động tống đạt vì cơ quan tòa án ngưng ký hợp đồng tống đạt, cơ quan thi hành án dân sự giảm số lượng văn bản giao tống đạt; số lượng vụ việc xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án thấp… Tuy nhiên, hoạt động lập vi bằng có dấu hiệu phát triển tốt và được người dân, tổ chức tin tưởng, sử dụng ngày càng nhiều.

Đá Bàn

Xem thêm:

Đời thường của thừa phát lại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới