Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần hoãn quyết định xây đập Xayaburi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần hoãn quyết định xây đập Xayaburi

Ngọc Lan

Vị trí đập Xayaburi trên dòng chính sông Mê-kông. Ảnh Terra.

(TBKTSG Online) – Cho đến nay, quan điểm của Ủy ban sông Mê-kông Việt Nam (VNMC) là cần phải đình hoãn việc ra quyết định xây dựng đập Xayaburi trên dòng chính sông Mê-kông ở Lào do các thông tin, số liêụ chưa đầy đủ.

>> Đập Xayabury là mở đầu những tác hại khó lường cho ĐBSCL

Xayaburi là con đập đầu tiên và cũng là dự án đầu tiên phải trải qua quá trình tham vấn chính phủ các nước thành viên Ủy hội sông Mê-kông; thời gian tham vấn là 6 tháng kể từ ngày phía Lào trình hồ sơ lên Ủy hội sông Mê-kông và sẽ kết thúc vào ngày 22-4 tới.

Theo ông Trương Hồng Tiến, Phó văn phòng VNMC, đến nay Ủy hội đã có phiên họp nhóm công tác lần thứ 3 xem xét báo cáo của phía Lào và kết quả tham vấn quốc gia; trong đó đại diện của Campuchia và Việt Nam đều bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về dự án này.

Tuy vậy, cho đến nay, chưa có quốc gia thành viên nào trong Ủy hội sông Mê Kông gửi thông báo chính thức quan điểm của mình do tiến trình tham vấn vẫn chưa kết thúc. Phía Việt Nam đang tích cực tổ chức các cuộc đối thoại mở về việc này để phân tích những được/mất mà công trình thủy điện Xayaburi gây ra.

Sáng nay 15-3, sáu tổ chức xã hội dân sự liên quan trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam như Mạng lưới cộng tác vì nước của VN (VNWP), Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA) …đã tổ chức một cuộc đối thoại mở tại Hà Nội nhằm cung cấp thông tin rộng rãi, lấy ý kiến phản biện về việc xây đập Xayaburi, quy trình đầu tư và những ảnh hưởng to lớn của nó đến đời sống, môi trường của hàng trăm ngàn người ở vùng hạ lưu sông Mê-kông, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.

VRN gọi đập Xayaburi, một trong số 11 đập thủy điện mà Lào dự kiến xây dựng ở hạ lưu Mê-kông “một hiểm họa”. Theo đại diện VNR, nếu được thông qua, con đập sẽ hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên nước và ngư nghiệp của địa phương cũng như toàn bộ lưu vực, khoảng 2100 người sẽ phải tái định cư, hơn 202.000 người sống gần con đập sẽ phải chịu những tác hại về sinh kế, thu nhập và an ninh lương thực. Việt Nam ở cuối nguồn sông Mê-kông, với 65.000 km2 diện tích trong lưu vực, nên sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược của Ủy ban sông Mêkông (MRC) về 11 con đập thủy điện dự kiến sẽ được xây trên dòng chảy chính của con sông cho thấy, chúng sẽ làm giảm lượng phù sa hiện có hơn 50%, gây hậu quả nghiêm trọng tới việc lưu chuyển chất dinh dưỡng để bồi dưỡng bờ sông và đồng bằng; điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp, sản lượng cá.

Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Trung tâm quốc tế về quản lý môi trường cũng khẳng định, việc xây con đập Xayaburi sẽ khiến cho lượng phù sa về ĐBSCL hàng năm giảm từ 26 triệu tấn xuống còn 7 triệu tấn, mất khoảng 20 đến 25% giống cá có tính di truyền, giảm sản lượng khai thác thủy sản tới 900.000 tấn, trong đó ĐBSCL bị giảm 400.000 tấn. Có khoảng 14 triệu người dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng con đập. Sau hai lần tổ chức các cuộc tham vấn cấp quốc gia, Việt Nam đã đề nghị đình hoãn việc quyết định thực hiện dự án do tài liệu mà Lào cung cấp rất hạn chế, đặc biệt thông tin đến tác động môi trường và kinh tế-xã hội.

Không chỉ Việt Nam mà Campuchia cũng hết sức lo lắng về tác động tiêu cực của dự án Xayaburi. Campuchia cho rằng thời gian tham vấn 6 tháng là rất ngắn và không đủ để hoàn thành quá trình tham vấn; do vậy phía Campuchia đề nghị xem xét kiến nghị của chuyên gia quốc tế về việc đình hoãn quyết định xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mê-kông (trong đó có đập Xayaburi) trong vòng 10 năm để các quốc gia tiếp tục nghiên cứu.

Ngay cả Thái Lan, quốc gia của nhà đầu tư đập Xayaburi và là nơi dự kiến mua nguồn điện sản xuất tại nơi này, cũng cho rằng các tài liệu của Lào về con đập là hạn chế và yêu cầu Ủy ban sông Mê kông Thái Lan đóng vai trò tham vấn tích cực hơn.

Phía Lào cũng thừa nhận là họ chưa công nhận kết quả đánh giá môi trường chiến lược các công trình thủy điện dòng chính hạ lưu sông Mê-kông do báo cáo chưa được Hội đồng ủy hội sông Mê kông thông qua. Họ cũng chỉ tiến hành xây dựng công trình khi đã hoàn tất quá trình tham vấn. Tuy nhiên, Lào không quên đề nghị các quốc gia gửi thông báo chính thức cho Ủy hội về quan điểm đối với công trình và mong muốn quá trình tham vấn sẽ sớm hoàn tất để Lào có thể triển khai công trình như dự kiến.

Quan điểm của VNMC là không cần kéo dài quá trình tham vấn về đập Xayaburi nhưng cần đình hoãn việc ra quyết định xây con đập này do các thông tin, số liệu chưa đầy đủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới