Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần ‘luồng gió’ mới để kích hoạt phát triển ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần ‘luồng gió’ mới để kích hoạt phát triển ĐBSCL

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thay vì thay đổi thứ tự ưu tiên các cụm ngành truyền thông: từ lúa gạo, trái cây và thuỷ sản sang thủy sản, trái cây và lúa gạo để “kích hoạt” phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như một số gợi ý, thì khu vực này cần sự đột phá cho nhóm ngành mới trên nền tảng tận dụng nguyên liệu sẵn có.

Cần ‘luồng gió' mới để kích hoạt phát triển ĐBSCL
Toàn cảnh diễn đàn Mekong Connect 2020 diễn ra ở Đồng Tháp vào hôm nay, 21-12. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại diễn đàn “Mekong Connect 2020: đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu” diễn ra vào hôm nay, 21-12, tại tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc thay đổi thứ tự ưu tiên các cụm ngành chủ lực của ĐBSCL, từ lúa gạo, trái cây và thuỷ sản như hiện nay sang thủy sản, trái cây và lúa gạo không hẳn sẽ giúp giải quyết được vấn đề tụt hậu của vùng. “Còn gì nữa hay không? Hay mình đảo tới, đảo lui rồi 5 năm sau tiếp tục đảo nữa hay sao?”, ông nêu câu hỏi.

Từ câu hỏi ở trên, ông Hoan dẫn quyển sách với tựa đề "nền kinh tế xanh lam" khi cho rằng, chỉ riêng với ngành nấm đã mang lại cho Trung Quốc 17 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm và tạo ra 10 triệu việc làm cho lao động nông thôn. Trong khi đó, toàn bộ kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt khoảng 44 tỉ đô la Mỹ.

Dựa trên việc so sánh dân số của hai nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam, ông Hoan gợi ý ngành nông nghiệp trong nước có thể triển khai tương tự, nhưng giảm quy mô bằng 1/10, từ đó có thể tạo ra gần 1 triệu việc làm ở khu vực nông thôn với giá trị mang lại khoảng 1,7 tỉ đô Mỹ. Khi đó sẽ góp phần giải quyết được câu chuyện 1,3 triệu dân ĐBSCL đi đến khu vực Đông Nam bộ vì thiếu việc làm.

“Và họ trồng (nấm) trên đâu?”, ông nêu câu hỏi và nói rằng, họ trồng trên lục bình, trên bã mía, lõi bắp và đặc biệt là trên cà phê. “Họ làm lại trở thành những chế phẩm để cấy nấm trên đó”, ông cho biết.

Dẫn thông tin từ cuốn sách nêu trên, ông Hoan cho rằng, với hạt cà phê khi đến người uống hàng ngày, thì chỉ mới sử dụng được có 0,2% toàn bộ khối lượng của hạt, tức đã lãng phí đến 99,8% cái đã bị bỏ đi, từ thịt của quả cà phê cho tới bã.

Còn nhìn vào ngành mía đường Việt Nam, ông Hoan thừa nhận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rất “khốn khổ” để vực dậy, bởi không thể cạnh tranh lại với ngành mía đường của Thái lan. “Nhưng, chất ngọt trong đường mía chiếm rất nhỏ, trong khi thân, bã còn lại là khối chất rất lớn để tạo ra giá trị, thậm chí họ đã dùng bã mía làm sợi, làm ra rất nhiều dạng sản phẩm khác nhau”, ông dẫn chứng.

Tuy nhiên, để biến những thứ bỏ đi trở thành giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp, thì cần phải có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. “Nhưng, cái đó (khoa học công nghệ), thì các vị của mình không làm được”, ông thẳng thắng nhìn nhận và mong các doanh nghiệp dẫn đầu sẽ hợp sức lại, thành lập một viện tư nhân để nghiên cứu. “Khi đó, tư nhân sẽ bắt tay với nhà nước, thì tôi tin vấn đề sẽ được giải quyết”, ông cho biết.

Theo ông Hoan, biến nấm trở thành ngành kinh tế không phải là điều đơn giản. “Nói như vậy chứ không phải đơn giản, họ (Trung Quốc) phải hình thành cái viện nghiên cứu và rất nhiều thứ khác, chứ không phải trồng rồi đem ra chợ bán là có ngay được 17 tỉ đô la Mỹ mỗi năm đâu”, ông cho biết.

Trước đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khu vực ĐBSCL chưa thật sự mang lại thịnh vượng cho người dân, mà cụ thể là tốc độ phát triển kinh tế vùng trong những năm gần đây bắt đầu chậm lại đáng kể; mức sống người dân thấp hơn mức trung bình cả nước…

"ĐBSCL đang trở nên tụt hậu ở hầu hết các khía cạnh trong tương quan so với các vùng miền khác”, ông cho biết và dẫn chứng, trong giai đoạn 10 năm, từ 2009-2019, khu vực ĐBSCL đã có 1,3 triệu người di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, để tồn tại thì phải liên kết. “Đây là xu thế tất yếu nhưng cũng là đòn bẫy cho phát triển”, ông cho biết.

Theo ông Phong, khi nền kinh tế mở cửa đã giúp thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp Việt bị “thôn tính”. “Nhiều sản phẩm Việt xuất khẩu đi khắp năm châu, nhưng cũng có không ít sản phẩm ngoại xuất hiện ở mọi ngõ ngách; nguy cơ sản phẩm và doanh nghiệp Việt thua trên sân nhà là kịch bản hiện hữu”, ông Phong cho biết.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, theo Bí thư tỉnh Đồng Tháp, diễn đàn với chủ đề “đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu” nhằm tìm ra giải pháp để hàng Việt không chỉ chinh phục được người tiêu dùng trong nước mà còn cả quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới