Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần một bộ não thống nhất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần một bộ não thống nhất

(TBKTSG Online) – Bộ Chính trị vừa thảo luận và đưa ra kết luận về một số vấn đề kinh tế – xã hội trong quí 1-2008.

Về những yếu kém trong điều hành kinh tế vĩ mô, Bộ Chính trị đã nhận định: “Công tác dự báo và dự kiến các biện pháp, kế hoạch ứng phó với những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới trong điều kiện hội nhập chưa được quan tâm đúng mức; các cơ quan nghiên cứu, tham mưu của Đảng và Nhà nước phát hiện tình hình còn chậm; khi tình huống xảy ra, do chưa có kinh nghiệm và chủ động trong việc ứng phó nên chỉ đạo, xử lý của một số ngành chức năng có lúc còn lúng túng, chưa kịp thời, thiếu phối hợp đồng bộ, thiếu linh hoạt. Có chính sách, giải pháp chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội”.

Có thể nói những nhận định trên rất thẳng thắn về những bất cập, rối ren trong điều hành kinh tế những tháng đầu năm nay. Nhưng không phải ai cũng có cái nhìn khách quan như vậy, đặc biệt là trong một số quan chức đứng đầu các bộ, ngành.

Mới đây, ngày 27-3, trong trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình lạm phát trong quí 1-2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã khẳng định: “Kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, lạm phát tăng cao là bất khả kháng, đến giờ phút này, tôi chưa thấy Chính phủ điều hành sai”. Câu trả lời này mang đậm dấu ấn của căn bệnh thành tích, chủ quan mà người bình thường cũng cảm nhận được chứ chưa nói đến những chuyên gia kinh tế đã viết hàng loạt bài phân tích sâu về những khiếm khuyết và hệ quả trong việc điều hành ở cấp vĩ mô về giá cả, tiền tệ thời gian qua.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào thực hiện mục tiêu trong năm 2008 là “kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý” như kết luận của Bộ Chính trị đã đề ra. Tình hình vừa qua cho thấy có sự chỏi nhau giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… trong việc dự báo tình hình và triển khai các biện pháp kiềm chế lạm phát khiến cho giá cả, hoạt động tài chính tiền tệ ngày càng xấu đi.

Chúng ta quen điều hành kinh tế theo kiểu cũ; các chủ trương, chính sách của bộ, ngành thường mang dấu ấn cục bộ, do đó, phản xạ rất kém, thiếu đồng bộ, thiếu linh hoạt trước những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đối với kinh tế nước ta. Đã đến lúc cần một bộ não chỉ huy thống nhất, đưa ra những quyết sách toàn diện trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như kiềm chế lạm phát mới có thể ổn định được tình hình.

Mặt khác không thể không đề cập đến trách nhiệm cá nhân. Những khiếm khuyết trong điều hành kinh tế thời gian vừa qua chẳng cá nhân nào chịu trách nhiệm, dù ở mức thấp nhất là kiểm điểm. Nếu không đề cao trách nhiệm cá nhân, không có những biện pháp chế tài hoặc miễn nhiệm những người đứng đầu các bộ ngành ra những chính sách sai làm thiệt hại cho xã hội thì khó mà tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân về hiệu lực điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới