Thứ Hai, 20/03/2023, 22:30
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Cần một chiến lược lương thực  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần một chiến lược lương thực  

(TBKTSG) – Trong nhiều năm qua, tin tức về việc phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới chiếm lĩnh mặt báo. Sự phát triển ồ ạt này, để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, chắc chắn kéo theo một hệ lụy: đất canh tác bị sút giảm nhanh chóng.

Ví dụ mới tuần trước, Hà Nội quyết định chuyển trên 3.000 héc ta đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp trong hai năm tới. Ở Long An và nhiều địa phương khác, hàng loạt sân golf đã và sẽ được xây dựng, sẽ lấn chiếm những mảnh đất có thể dùng vào sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường, từ 2005-2007, cả nước đã mất gần 35.000 héc ta đất trồng lúa do chuyển sang mục đích khác.

Thực tế con số này có thể lớn hơn nhiều. Hiện nay Việt Nam vẫn đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới nên mức sụt giảm này chưa gây ra sự lo ngại nào. Nhưng với tình hình giá lương thực tăng nhanh như hiện nay, bảo đảm an ninh lương thực đồng thời tận dụng cơ hội để nâng cao thu nhập cho nông dân phải là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Trong một nghiên cứu của IMF, Việt Nam được xếp vào những nước hưởng lợi không đáng kể từ việc lương thực lên giá (thêm chừng 0,54 GDP của năm 2005). Một chiến lược đúng đắn sẽ giúp nâng tỷ lệ này lên, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ gạo của các nước trong khu vực đang tăng đáng kể.

Thật ra, vào cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định yêu cầu hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Đây có thể là bước khởi đầu cho việc hình thành một chiến lược lương thực mang tầm cỡ quốc gia trong tình hình mới.

Chiến lược lương thực có thể bắt đầu từ những cam kết theo lộ trình hội nhập. Theo cam kết với WTO, từ năm 2011, việc xuất khẩu gạo được mở cửa cho nước ngoài, lúc đó liệu việc sử dụng hạn ngạch như hiện nay có được không; hạn ngạch có tác động tích cực hay tiêu cực lên thu nhập của nông dân, lên giá gạo nội địa… cũng cần được tính đến.

Một chiến lược như thế phải cân nhắc xem việc phát triển nhiên liệu sinh học là có nên hay không đồng thời với việc xác định lại các tiêu chí nghiêm ngặt hơn trong việc chuyển đổi đất canh tác thành đất công nghiệp, đất đô thị, nhất là loại dự án chưa cần thiết và nhiều lãng phí như sân golf. Nhà nước cần có biện pháp khuyến khích mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nhất là giống và bảo quản chế biến.

Cũng cần có định hướng khuyến khích mở rộng quy mô canh tác chứ không thể tiếp tục hình thức canh tác nhỏ lẻ hiện nay. Mặt khác, cần nhanh chóng nghiên cứu hệ thống phân phối và xuất khẩu lương thực sao cho có lợi nhất cho nông dân để từ đó họ mới có động cơ đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng suất. 

Hiện nay tính bình quân, người dân nước ta vẫn phải chi dùng đến 40% thu nhập cho lương thực. Nếu không có một chiến lược đúng đắn và tầm nhìn dài hạn, chúng ta sẽ không tận dụng được cơ hội mà còn có nguy cơ đẩy những người vừa thoát cảnh đói nghèo trở lại vòng xoáy nghèo đói.

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới