Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần một chiến lược tổng thể

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần một chiến lược tổng thể

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Thời gian qua, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe công bố một biện pháp mới có liên quan đến quy trình quản lý giao thông đường bộ. Có thể kể đến đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an phụ trách, thay vì Bộ Giao thông Vận tải như hiện nay; trừ điểm trên bằng lái xe nếu vi phạm luật giao thông; thay đổi bộ đề thi sát hạch các loại bằng; thay đổi loại xe được lái tùy theo từng loại bằng…

Cần một chiến lược tổng thể
Kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIV) đã không đồng ý với đề xuất của Chính phủ thay đổi thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải về Bộ Công an.

Đây là nỗ lực chung của Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm luật giao thông, giảm tai nạn giao thông; tuy nhiên vấn đề là các giải pháp này được công bố riêng lẻ, có cái thì nhận được sự đồng tình của công luận, có cái gây tranh cãi.

Thiết nghĩ Chính phủ cần có một chiến lược tổng thể chung nhằm giải quyết tình trạng bát nháo trong giao thông, ngăn chặn chuyện thỉnh thoảng lại có một chiếc xe “điên” tông chết người, hoặc xe tải mất thắng càn quét người và xe đang dừng chờ đèn đỏ.

Một chiến lược như thế sẽ bắt đầu bằng các nghiên cứu sâu rộng về các vấn đề đặc trưng cho tình trạng giao thông ở nước ta, trả lời cho được một số câu hỏi then chốt như việc cấp giấy phép lái xe dễ dãi có phải là nguyên nhân đằng sau các vụ xe điên, nhầm chân ga, chân phanh, xe mất lái… Sau khi có một cái nhìn tổng thể đúng đắn, chúng ta mới có các giải pháp dù công bố riêng lẻ nhưng vẫn mang tính liên kết trong một lộ trình thực thi chung.

Lấy ví dụ, chuyện sát hạch cấp giấy phép lái xe – vấn đề không phải là cơ quan tổ chức sát hạch, cơ quan nào cấp giấy phép lái xe – mà quan trọng nhất vẫn là việc sát hạch phải rất nghiêm túc, loại bỏ được những người học hành chưa tới nơi tới chốn mà vẫn muốn lấy bằng, những người đòi lái xe trong khi không nắm luật giao thông, những người cứ nghĩ có tiền có quan hệ là mua được bằng…

Cứ nghiêm túc chấn chỉnh quy trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kể cả biên soạn lại các câu hỏi trắc nghiệm phần lý thuyết là đã có thể giải quyết được bất cập này. Việc sát hạch không nên chú trọng đến chuyện lắt léo nhằm tạo độ khó, mà nên hướng đến chuyện buộc người dự thi phải thật sự nắm được lý thuyết, nắm được những vấn đề đạo đức căn bản của người lái xe.

Quan trọng hơn nữa là quá trình giám sát sau đó, bởi học các kỹ năng để vượt qua sát hạch là chuyện dễ, nhất là lái xe số tự động, tích lũy kinh nghiệm để lái xe tốt mới là chuyện khó. Ở một số nước, bằng lái xe có nhiều cấp độ, thường bắt đầu với bằng lái tạm thời, sau một năm mới cấp bằng lái chính thức, có nước trải qua đến ba giai đoạn cấp bằng.

Chúng ta có thể suy tính đến phương án bằng lái cấp cho người đạt kỳ sát hạch chỉ có giá trị một năm; sau đó phải thi thực hành lại, khó hơn, chạy đủ loại hình đường bộ hơn, mới cấp bằng chính thức. Chính vì thế, đề xuất cấp 12 điểm kèm với giấy phép lái xe mới, mọi vi phạm giao thông, tùy theo mức độ mà trừ điểm, đến khi số điểm về 0 thì phải thi lại, là một đề xuất rất khả thi nếu đặt nó trong một tổng thể chấn chỉnh việc cấp phép lái xe – từ sát hạch đến giám sát sau đó.  

Có một chiến lược chung thì công luận cũng sẽ hình dung được bức tranh chung và hiểu được ý nghĩa của từng biện pháp nằm trong chiến lược chung đó. Lúc đó các chính sách mới sẽ nhận được sự đồng tình cao hơn và ý thức tuân thủ tốt hơn bởi không ai trong chúng ta đều không bức xúc mỗi khi đọc thêm tin về một vụ xe điên mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới