Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần một cuộc cách mạng trong nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần một cuộc cách mạng trong nông nghiệp

Ông Lê Văn Lam

(TBKTSG) – Sau hai năm gia nhập WTO, tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam đã có nhiều biến chuyển. Tuy nhiên, với ông Lê Văn Lam (Tân Hồng, Đồng Tháp) – người nông dân từng được cả nước biết đến khi viết thư gửi Thủ tướng trình bày những bức xúc mà nông dân đang gặp phải – sự thay đổi ấy vẫn còn rất chậm chạp.

Chúng tôi đã tìm gặp lại ông cũng với câu chuyện về nông nghiệp, nông thôn, nông dân mà ông đang trăn trở…

Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Ông thấy cuộc sống của nông dân hiện nay như thế nào?

Ông Lê Văn Lam: Khi Việt Nam gia nhập WTO, tôi hy vọng cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi. Chúng tôi sẽ được mua hàng nước ngoài với giá rẻ và nông sản làm ra có thể xuất sang nước ngoài với giá cao hơn, thu nhập của nông dân sẽ tốt hơn, đời sống sẽ được cải thiện. Tuy nhiên hai năm qua, cuộc sống của nông dân cũng chưa phát triển nhiều. Đường sá dù đã bớt lầy lội hơn, điện, trường học cũng tốt hơn nhưng người nông dân vẫn nghèo, vẫn loay hoay với mớ nông sản mình làm ra chưa biết tiêu thụ ở đâu, vẫn phải mua phân bón với giá cao và mua phải thuốc bảo vệ thực vật giả…

Theo ông, nguyên nhân là vì sao?

Người nông dân khi gia nhập WTO cũng như con gái mới lớn chuẩn bị về nhà chồng. Bỡ ngỡ, lo lắng, chưa có kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống, thiếu kinh nghiệm để vun vén gia đình. Chính vì vậy cô gái thường được mẹ hướng dẫn, chỉ dạy nhiều thứ để có thể sống và thích ứng cuộc sống mới. Nhưng nông dân chúng tôi thì chẳng được ai hướng dẫn gì cả.

Người ta có tiền, có kiến thức và điều kiện tiếp xúc với thị trường; còn nông dân thì chẳng có gì ngoài kinh nghiệm sản xuất và sự cần lao. Lâu nay nông dân vẫn quen sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, phần ai nấy bán. Hơn nữa, nhiều khi bà con còn sản xuất theo phong trào dẫn đến khủng hoảng thừa. Nguyên nhân phần vì nông dân không biết về nhu cầu thị trường, phần vì Nhà nước chưa làm tốt thông tin hướng dẫn nên trồng cây gì, nuôi con gì, tiêu thụ ở đâu. Nhà nước cần chỉ ra cho nông dân hướng đi hiệu quả nhất. Tiếc là hai năm qua chưa ai chỉ cho chúng tôi những điều đó cả.

Năm 2008 có lúc giá lúa gạo rất cao nhưng cũng có lúc lại rất thấp, bán không có người mua. Theo ông, phần được và mất của người nông dân như thế nào?

Đúng là có lúc giá lúa đã lên rất cao, người trồng lúa ai cũng mừng. Nhưng chỉ được một vụ. Vụ rồi, lúa không bán được, nhiều người vì cần tiền để đầu tư vụ tiếp theo nên phải bấm bụng bán giá chỉ bằng phân nửa so với đầu vụ. Lúc đầu giá lúa trên 4.000 đồng/ki lô gam, nghe Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp mua làm sao để nông dân lãi 40% nên chúng tôi trữ lại chờ. Nhưng rồi không thấy ai mua như thế cả. Bây giờ giá lúa chỉ còn ngoài 2.000 đồng/ki lô gam. Với giá này, nông dân bị lỗ nặng.

Không phải lúa chúng tôi làm ra chất lượng thấp hơn mọi năm mà do cách điều phối và quản lý của cấp trên. Mấy chục năm làm nông, đây là năm đầu tiên tôi thấy giá lúa vụ hè thu lại thấp hơn vụ đông xuân. Nuôi cá, bỏ công sức, tiền bạc cả mấy tháng trời nhưng mãi chẳng có người mua. Trăm thứ thu chi của người nông dân đều nhờ vào cây lúa, con cá nhưng đầu ra bấp bênh và khó khăn như thế nên đời sống của người nông dân cũng hết sức vất vả.

Giờ làm lúa không có lời, nghĩa là vài tháng tới nông dân không có thu nhập. Nghề nông lấy công làm lời. Nếu trúng mùa, nông dân cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống; còn thất mùa, mất giá thì phải đi vay ngân hàng để đầu tư sản xuất vụ kế tiếp. Nhiều người phải vay nóng bên ngoài để sản xuất bởi nợ ngân hàng vẫn chưa trả được.

Còn điều gì khác làm ông lo lắng?

Cái gì cũng tăng giá, chỉ có giá lúa là giảm. Phân bón tăng gấp đôi so với năm ngoái, các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng liên tục. Người trồng lúa có cái bất an hơn doanh nghiệp là chưa biết kết quả sản xuất của mình sẽ như thế nào, đầu ra ở đâu, giá cả bao nhiêu nhưng vẫn phải đầu tư, giá vật tư cao cũng phải bấm bụng mua, thiếu tiền thì đi vay mượn.

Không những vậy, chúng tôi còn mua phải phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Thiệt hại vì số tiền bỏ ra mua những thứ ấy thì ít, cái thiệt lớn hơn là giảm năng suất, trắng tay vì mất mùa. Nhiều người phun thuốc trừ sâu xong đinh ninh là sâu chết nhưng sau đó thì cả đám ruộng tan nát, không thu hoạch được gì.

Tôi không hiểu được tại sao những loại phân bón kém chất lượng ấy lại được bày bán trên thị trường. Các doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng sản phẩm mới được sản xuất và bán ra thị trường. Vậy thì cơ quan kiểm định ở đâu, cơ quan cấp phép ở đâu?

Ông nói nông dân quen sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, phần ai nấy bán nên hiệu quả không cao. Vậy theo ông, nên làm thế nào để cải thiện?

Làm thế nào thì tôi cũng chưa rõ, chỉ biết người làm ruộng nhiều, chi phí đầu vào sẽ ít hơn. Khi làm nhiều, nông dân mua phân, thuốc với số lượng lớn nên giá cũng sẽ được ưu đãi hơn, việc cày cấy cũng thuận tiện hơn, giá lúa bán ra cũng sẽ cao hơn. Tôi có nghe nói về việc tích tụ ruộng đất gì đó, nếu tập trung được, sản xuất đồng bộ, ổn định đầu ra thì hiệu quả sẽ cao hơn. Theo tôi, phải làm sao để có một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, phân bố lại sản xuất, tạo ra các vùng chuyên canh.

ĐỨC PHONG thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới