Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần ngăn chặn “vấn nạn” trò chơi trực tuyến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần ngăn chặn “vấn nạn” trò chơi trực tuyến

Trong giới chơi game trực tuyến, trao đổi hàng hóa ảo nhưng trả bằng tiền thật. Ảnh: Tư liệu.

(TBVTSG) – Cách đây không lâu, khi báo chí đưa tin về một thanh niên ở một nước châu Á bị chết do mải chơi trò chơi trực tuyến (online game) mà nhịn cả ăn uống mấy ngày liền, tôi đã rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì không thể hình dung được trò chơi đó có gì hấp dẫn mà khiến nhiều người “nghiện” đến như vậy!  

Vài năm gần đây, Internet đã trở nên phổ biến ở Việt Nam, tạo điều kiện cho giới trẻ có cơ hội tiếp cận với nhiều tiện ích và dịch vụ phong phú do công nghệ hiện đại mang lại. Tỷ lệ máy tính cá nhân ở các gia đình, đặc biệt là ở các thành phố, đã tăng lên một cách rõ rệt.  

Việc lắp đặt và giá cước Internet cũng ngày càng dễ dàng và hợp lý. Máy tính ở nhà nối mạng, các hàng Internet công cộng cũng mọc lên khắp nơi. Các dịch vụ “ăn theo” Internet ngày càng phổ biến. Và một trong những dịch vụ đó là trò chơi trực tuyến.  

Trò chơi trực tuyến nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp, không chỉ học sinh, sinh viên mà ngay cả một số không ít công nhân viên chức. Một thế giới ảo đã nhanh chóng được hình thành.

Có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng những diễn đàn của các thành viên hâm mộ một trò chơi trực tuyến nào đó, nơi họ trao đổi cách thức chơi, rồi cách thức mua bán những “báu vật”. Điều đáng chú ý là hàng hóa ở đây là “ảo” nhưng tiền thì lại là “thật”.  

Nhưng đó chưa phải là vấn đề đáng quan tâm nhất. Gần đây, một vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội chính là những ảnh hưởng về tâm lý do trò chơi trực tuyến gây ra cho giới trẻ. Một tờ báo đã mở một diễn đàn về vấn đề này. Theo dõi diễn đàn mới thấy, nếu bạn vô tình để bản thân lệ thuộc vào trò chơi này thì hậu quả thật khó lường.  

Không chỉ công việc, cuộc sống bị đảo lộn mà chính bản thân người đó cũng thay đổi theo một chiều hướng xấu mà người ta không hề hay biết. Vấn đề này nguy hiểm đến mức có một trung tâm văn hóa ở một thành phố lớn đã mở một lớp “cai” trò chơi trực tuyến cho những người lỡ “nghiện”, giúp họ “hòa nhập” trở lại với cuộc sống thực tại.  

Tôi không cho trò chơi trực tuyến là xấu thế nhưng những tiêu cực nó gây ra cho xã hội quả là điều đáng lo. Để giải quyết được vấn nạn này, trách nhiệm của các bậc phụ huynh là rất quan trọng. Điều cần làm là phải hướng con em tới những trò chơi có ích, có thể thông qua trò chơi để học tiếng Anh hoặc luyện tư duy logic; cố gắng chăm sóc và chơi với trẻ nhiều hơn để chúng không dành thời gian cho những trò chơi vô bổ quá nhiều.  

Một vấn đề nữa cũng không kém phần quan trọng là “vấn nạn” trò chơi trực tuyến chính là một hồi chuông cảnh báo đối với các nhà quản lý, các công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến. Cần nhanh chóng có giải pháp để ngăn chặn và không thể vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng tới cả một thế hệ tương lai.  

THÙY LINH (Hà Nội)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới