Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần nhà nước mạnh lẫn xã hội dân sự mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần nhà nước mạnh lẫn xã hội dân sự mạnh

(TBKTSG) – Để bảo vệ môi trường sống của cộng đồng cho cả hôm nay và mai sau trước những hành vi hủy hoại môi trường kiểu Vedan, Hyundai-Vinashin và cả những doanh nghiệp chưa bị phát hiện; để bảo vệ người tiêu dùng trước những mánh khóe gian lận thương mại kiểu như những cây xăng sử dụng công nghệ để móc túi người tiêu dùng và những công ty dù biết sản phẩm mình đang bán là độc hại như sữa có melamine vẫn tìm cách tuồn ra thị trường, cần cả hai điều – một nhà nước mạnh lẫn một xã hội dân sự (xã hội công dân) mạnh.

Một nhà nước mạnh là một nhà nước mà công chức – những công bộc của dân – có ý thức, biết và dám chủ động bảo vệ luật pháp, đặt lợi ích của cộng đồng, của xã hội lên trên hết.

Nói có ý thức là bởi những vụ vi phạm về môi trường kéo dài và chỉ được vạch trần gần đây cũng như những vụ xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng kéo dài dường như cho thấy ý thức nói trên đang rất thiếu vắng.

Nói biết là bởi, trong nhiều trường hợp, công chức có trách nhiệm cần phải cân phân giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích của số ít người và lợi ích của số đông.

Nói dám là bởi trong không ít trường hợp, trong thực tế, người công chức làm đúng theo chức trách và lương tâm chưa chắc được tưởng thưởng mà lắm khi ngược lại, còn người nhắm mắt cho qua đôi khi lại thu được lợi từ những kẻ cố tình vi phạm pháp luật.

Một nhà nước mạnh không cho phép công chức của mình, khi sự việc vỡ lở, có thể trốn chạy trách nhiệm bằng cách đổ thừa cho thiếu năng lực, bởi cho đến khi sự việc vỡ lở anh ta vẫn yên vị, tức tự cho rằng mình có năng lực đảm đương nhiệm vụ, bằng không đã phải xin từ chức. Nếu không phải do năng lực mà do bị ngáng trở trong việc thực hiện nhiệm vụ, anh ta phải biết kiến nghị lên cấp trên giải quyết, nếu không được giải quyết thì vì ý thức trách nhiệm trước người dân, trước pháp luật và vì lòng tự trọng do không hoàn thành nhiệm vụ, ít nhất anh ta phải có năng lực xin từ chức. Tiếc thay, điều này còn hiếm trong bộ máy nhà nước của ta.

Tuy nhiên, cho dù bộ máy nhà nước có mạnh đến đâu vẫn không thể thay thế được những sáng kiến và hành động chủ động của các công dân, của xã hội dân sự trong việc bảo vệ lợi ích của mình. Bởi hơn ai hết, là người dân bình thường, là người tiêu dùng bình thường, họ là người đầu tiên phải hứng chịu tác hại của việc hủy hoại môi trường hoặc của những hành vi, mánh khóe gian lận thương mại.

Thực tế, dù thừa nhận hay không thừa nhận, trong xã hội đã hình thành những nhóm lợi ích khác nhau và những công bộc của dân, ngay cả trong trường hợp không bị một bên có thế và lực nhiều hơn chi phối hoặc mua chuộc, có lúc cũng không biết cân phân đâu là lợi ích lớn hơn của xã hội, đâu là lợi ích của chỉ một nhóm.

Do vậy, thiết chế chính trị, luật pháp rất cần trao cho các hiệp hội, các nhóm… của xã hội dân sự quyền được chủ động có sáng kiến, kể cả sáng kiến lập pháp, và hành động, kể cả hành động pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới