Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cân nhắc khi tăng lương tối thiểu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cân nhắc khi tăng lương tối thiểu

Vũ Xuân Tiền

(TBKTSG) – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có đề án nâng mức lương tối thiểu chung với tỷ lệ khá cao từ ngày 1-10-2011. Theo đề án, mức lương tối thiểu ở vùng I hiện nay là 1.350.000 đồng/người/tháng sẽ được điều chỉnh lên 1.900.000 đồng/người/tháng, tăng 40,7%. Trong khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lại đề nghị mức cao hơn: 2.200.000 đồng/người/tháng đối với khu vực I, tăng 62,9%.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao hiện nay, người lao động làm công ăn lương đang gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Song, nếu chỉ đề xuất tăng lương tối thiểu xuất phát từ đời sống của người lao động sẽ là chưa đủ. Để chứng minh đề xuất ấy là khả thi, cần trả lời câu hỏi: với tốc độ tăng tiền lương tối thiểu như đề xuất, các doanh nghiệp có thể chịu đựng được hay không?

Không cần điều tra vẫn có thể khẳng định phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không thể chịu đựng được với tốc độ tăng của quỹ lương tới 40,7% chứ chưa nói tới mức 62,9%. Bởi lẽ, hiện tại, với sự tăng giá chóng mặt của nguyên vật liệu, điện, xăng, lãi suất… không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rơi vào cảnh sống “thoi thóp”.

Trong điều kiện cạnh tranh khá gay gắt trên thị trường lao động, rất ít doanh nghiệp trả lương chỉ bằng lương tối thiểu. Mức lương cơ bản để nộp các loại bảo hiểm bắt buộc phải bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu 7%. Điều đó có nghĩa lương tối thiểu tăng lên, doanh nghiệp sẽ phải chi thêm một khoản không nhỏ do các khoản bảo hiểm bắt buộc.

Trả lương cao và thực hiện nghiêm túc các chế độ cho người lao động là mong muốn của đại đa số doanh nghiệp. Song, trong điều kiện hiện nay, chủ doanh nghiệp khó có thể tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ so với tốc độ tăng tiền lương. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp càng kinh doanh sẽ càng thua lỗ. Hậu quả tất yếu là doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giảm bớt lao động hoặc giải thể.

Thiết nghĩ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động là cần thiết nhưng không nên chỉ nhìn nhận phiến diện, một chiều để đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng đã khó càng thêm khó. Đảm bảo cho người lao động có thu nhập đủ sống hay để cho người lao động không có việc làm, đó là hai phương án cần được chọn lấy một.

_______

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới