Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cân nhắc từ chuyện thu đến chuyện chi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cân nhắc từ chuyện thu đến chuyện chi

(TBKTSG) – Những tưởng với những chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho cá nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong năm 2009, tổng thu ngân sách ắt bị ảnh hưởng mạnh. Nhưng trong thực tế, tổng thu ngân sách vẫn vượt 52.440 tỉ đồng so với dự toán và tăng khoảng 51.690 tỉ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội vào gần cuối năm ngoái.

Điều đó có nghĩa, việc miễn, giảm hay giãn thuế cho doanh nghiệp, được đánh giá là kịp thời, giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua được cơn suy thoái kinh tế, có chí phí không quá cao (chừng 20.000 tỉ đồng) nên được cân nhắc để áp dụng với thời hạn lâu dài hơn.

Chẳng hạn, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nếu giảm từ mức 25% xuống còn 20% có thể kích thích thêm nhiều doanh nghiệp ra đời, từ đó ngân sách vẫn có được những nguồn thu khác từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ở một khía cạnh khác, mức tăng thu ngân sách lại đến từ những nguồn mang tính đột biến như thu về nhà, đất (tăng đến 14.370 tỉ đồng) hay không mang tính bền vững như thu từ xuất nhập khẩu (tăng đến 18.660 tỉ đồng so với con số báo cáo trước đó).

Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội nhận định: “Việc tăng thu từ nguồn đất đai sẽ kéo theo những hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế – xã hội”. Các dự án địa ốc thi nhau ra đời, ngân sách có nguồn thu nhưng đi kèm theo đó là giá đất tăng lên một cách chóng mặt làm chi phí kinh doanh sẽ tăng theo, người dân càng khó có cơ hội “an cư, lạc nghiệp”, bất ổn xã hội từ việc đền bù, giải tỏa cũng gia tăng.

Và chắc chắn nguồn thu này dù có tăng trong một số năm sắp tới cũng sẽ giảm dần theo thời gian.

Nguồn thu từ xuất nhập khẩu mà chủ yếu là do nhập khẩu các mặt hàng đắt tiền như ô tô làm giảm áp lực lên ngân sách nhưng đằng sau nó là các con số nhập siêu đáng lo ngại.

Chính vì vậy, ủy ban mới nhận định: “Xu hướng mất cân đối trong cán cân xuất nhập khẩu, tình trạng nhập siêu lớn, cảnh báo sự mất cân đối ngoại tệ và dự trữ ngoại hối giảm sút, là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia, đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế”. Ngược lại, những nguồn thu lớn như thu từ dầu thô (60.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 13,7% tổng thu ngân sách) đang có xu hướng giảm dần.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng khuyến nghị của Ủy ban Tài chính-Ngân sách – cần thận trọng với những dự án đầu tư đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn – hoàn toàn có cơ sở. Thu không đủ bù chi, ắt chúng ta phải đi vay nợ. Trong tình hình khủng hoảng nợ công ở nhiều nước, chuyện vay nợ sẽ không dễ dàng gì, nếu có cũng phải chịu lãi suất cao và nhiều ràng buộc.

Đặt các siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, mở rộng Hà Nội trong bức tranh chung như thế mới thấy vì sao có rất nhiều ý kiến phản bác, không chỉ vì tính thiếu khả thi, hiệu quả kém của chúng mà còn vì cái bẫy nợ nần rất dễ mắc phải. Giả sử toàn bộ nguồn lực đổ vào các dự án này, nền kinh tế nói chung và ngân sách nói riêng sẽ chẳng còn không gian nào để xoay xở. Lúc đó đường sắt xây xong cũng sẽ chẳng có người đi, nhà trong các đô thị mới sẽ chẳng có người đủ tiền mua để ở.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới