Cần phải có lộ trình
Thái Thanh
(TBKTSG) - Cuối tháng 11-2009, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, hướng dẫn các chủ dự án, các hộ dân sống trong chung cư “tuyệt đối không được sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, nơi sản xuất kinh doanh”.
Người ký công văn trên, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói rằng, việc các chủ sở hữu sử dụng căn hộ chung cư để làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh là không đảm bảo các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng. Bộ ra văn bản trên là “nhằm từng bước đưa công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng đi vào nề nếp, đảm bảo các chung chư được quản lý, vận hành an toàn, bền vững và lâu dài, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần bình ổn thị trường”.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nhà ở, bao gồm chung cư, là sở hữu của người dân, và khi đã sở hữu thì người ta có đầy đủ các quyền mà Bộ luật Dân sự cho phép, trong đó có quyền cho thuê.
Thật ra, ngay tại nhiều nước trên thế giới, nơi người dân có quyền tư hữu về đất đai, thì việc sử dụng căn hộ, nhà ở đúng mục đích, đúng quy hoạch cũng luôn được coi trọng để đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng.
Vì vậy, quyết định của Bộ Xây dựng về việc cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, cơ sở sản xuất, cũng nên được xem xét như quy định của Bộ Giao thông Vận tải về việc sử dụng ô tô. Chủ sở hữu ô tô tải, cũng có toàn quyền sở hữu, cho thuê… nhưng phải chấp hành các quy định về an toàn và không được chở khách.
Điều đáng nói là quyết định nói trên của Bộ Xây dựng cần phải có lộ trình thực hiện. Thứ nhất, nên cấm triệt để các chung cư mới đưa vào sử dụng kể từ ngày quyết định này có hiệu lực cho thuê làm văn phòng, trụ sở công ty hay cơ sở sản xuất.
Thứ hai, những chủ nhà đang cho thuê căn hộ để làm văn phòng, trụ sở công ty hay cơ sở sản xuất không được gia hạn hợp đồng sau khi hợp đồng hiện tại hết hiệu lực, nhưng cũng không chậm hơn năm năm kể từ ngày quy định có hiệu lực.
Và thứ ba, lẽ ra trước khi đưa ra quyết định, Bộ Xây dựng, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, phải nắm rõ số liệu thực tế của từng địa phương. Đằng này, quy trình ban hành công văn của bộ lại là quy trình ngược: sau khi ban hành lệnh cấm, mới yêu cầu các địa phương tổng hợp tình hình, số liệu gửi về bộ trước ngày 30-3-2010. Người ta có quyền đặt câu hỏi sau khi nhận được báo cáo đầy đủ, bộ sẽ làm gì?
Đáng ra, một trong những công việc mà bộ nên làm có lẽ là phối hợp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Hơn ai hết, các chi cục thuế cấp quận, huyện nắm rất rõ trụ sở các doanh nghiệp trên địa bàn. Doanh nghiệp nào mới thành lập, hay thay đổi trụ sở cũng phải đến các chi cục thuế làm thủ tục cấp mới hay mua hóa đơn đỏ. Cán bộ thuế cơ sở bao giờ cũng làm động tác khảo sát địa điểm của doanh nghiệp trước khi đề xuất với cấp trên có bán hóa đơn cho doanh nghiệp ấy hay không.
Và nếu công văn của Bộ Xây dựng được cơ quan quản lý nhà nước về thuế đồng thuận, có lẽ cũng nên bổ sung điều khoản là nếu doanh nghiệp cố tình sử dụng chung cư làm trụ sở, văn phòng, cơ sở sản xuất, thì sẽ không được bán hóa đơn, thậm chí xóa mã số thuế.