Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần phải lên tiếng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần phải lên tiếng

Huỳnh Hoa

Cần phải lên tiếng(TBKTSG) – Cuộc tranh cãi gay gắt giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong tuần qua chung quanh một dự án thăm dò dầu khí giữa tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ OVL (ONGC Videsh Ltd) và tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) là một diễn biến mới trong ý đồ độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh, bất chấp luật pháp quốc tế.

Thông tin về dự án hợp tác này được báo Ấn Độ Hindustan Times loan báo và theo báo này OVL và PetroVietnam có thể sẽ ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược, nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang công du Ấn Độ vào tháng 10 tới. Biên bản ghi nhớ, nếu có, sẽ tạo điều kiện cho OVL tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngay sau khi Hindustan Times loan báo tin trên, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mọi quốc gia tham gia các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Ngày 15-9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Mọi quốc gia can dự vào các hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng tài phán này mà không có sự phê chuẩn của Chính phủ Trung Quốc đều vi phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc và do đó là bất hợp pháp và vô hiệu lực”. 

Báo Global Times thuộc Nhân dân nhật báo Trung Quốc thì đăng bài xã luận với giọng điệu đầy đe dọa: “Ấn Độ đang tìm kiếm ảnh hưởng giống như Mỹ trong khu vực này. Trung Quốc và các nước liên quan nên thu gọn những xung đột trong phạm vi biển Đông, nhưng khi các nước khác bước vào, Trung Quốc phải chống lại… Ấn Độ phải luôn nhớ rằng hành động của họ ở biển Đông sẽ đẩy Trung Quốc tới giới hạn. Trung Quốc coi trọng mối quan hệ hữu nghị Ấn-Trung nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc đặt quan hệ đó lên trên tất cả”.

Những lời lẽ đe dọa như vậy được Trung Quốc đưa ra ngay trước chuyến thăm chính thức Việt Nam của đoàn cấp cao Ấn Độ do Ngoại trưởng S.M Krishna dẫn đầu. Nhưng bất chấp lời cảnh báo của Trung Quốc, Ngoại trưởng SM Krishna khẳng định với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh rằng tập đoàn dầu khí OVL vẫn xúc tiến việc thăm dò dầu khí tại hai lô ngoài khơi thuộc chủ quyền của Việt Nam. New Delhi cũng đã lên tiếng bác bỏ lập luận của Bắc Kinh và cho rằng hoạt động của OVL tiến hành trong vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền và hoàn toàn phù hợp với luật lệ quốc tế.

Do giữa hai cường quốc châu Á Ấn Độ và Trung Quốc có một mối tranh chấp “truyền thống” về lãnh thổ và chiến lược, xung đột giữa Bắc Kinh và New Delhi không phải là chuyện lạ, nhưng lần này xung đột liên quan trực tiếp tới chủ quyền và quyền lợi của Việt Nam nên dư luận cả nước rất quan tâm.

Thực tế, cũng như nhiều tập đoàn dầu mỏ quốc tế khác, tập đoàn OVL của Ấn Độ đã đầu tư và làm ăn ở Việt Nam nhiều năm nay mà không gặp trở ngại gì. Dự án liên doanh thăm dò dầu khí ở lô 127 và 128 ngoài khơi bờ biển miền Trung cũng không phải là mới. Và đáng chú ý nhất là hai lô này đều nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam được công nhận bởi Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) (xem bản đồ).

Điều đó có nghĩa là, Việt Nam có đầy đủ quyền hạn và tư cách hợp pháp để thăm dò, khai thác tài nguyên trong lòng biển và dưới đáy biển ở khu vực này và việc lựa chọn đối tác để hợp tác cùng thăm dò là việc riêng của Việt Nam, không liên quan tới quốc gia nào và không ai có quyền can thiệp. Hành động phản đối và đe dọa của Bắc Kinh đối với đối tác Ấn Độ một lần nữa là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, trái với UNCLOS. Hành động đó là phi pháp và không thể chấp nhận được dù xét ở bất kỳ phương diện nào.

Trước đây, Trung Quốc từng có hành động đe dọa buộc các tập đoàn dầu khí BP (Anh), ExxonMobil (Mỹ) phải rút khỏi các dự án thăm dò dầu khí với PetroVietnam ở biển Đông, nhưng hành vi của Bắc Kinh chỉ nhằm buộc các tập đoàn này phải lựa chọn cơ hội kinh doanh: hoặc làm ăn với Trung Quốc, hoặc làm ăn với Việt Nam. Lần này, với tập đoàn OVL Ấn Độ, Bắc Kinh đã đi xa hơn trong việc áp đặt các yêu sách về chủ quyền và lãnh thổ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới