Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần phục hồi chính sách miễn thị thực như trước dịch

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Chưa đến 7.800 du khách nước ngoài đến Việt Nam sau hai tháng mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 12-2021. Ngoại trừ yếu tố mới là “Omicron”- có thể là một sự cản trở – nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam như vậy được cho là hết sức khiêm tốn, đến nỗi nhiều chuyên gia đặt vấn đề: “cần xem lại những điểm nghẽn bây giờ” để gỡ nút thắt cho ngành du lịch.

“Omicron” là một sự cản trở du khách đến Việt Nam. Trong ảnh: Du khách tại TPHCM. Ảnh Đào Loan

Sau hai tháng thí điểm đón du khách quốc tế trở lại, Việt Nam chỉ đón được gần 7.800 khách. Mặc dù, lượng khách đến không phải là mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn đầu của chương trình thí điểm nhưng cũng cần phải đánh giá lại những vấn đề khiến ngành du lịch chưa có nhiều khách hàng quốc tế bây giờ.

Cửa mở mà chưa dẹp hàng rào!

Theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh này chỉ phải đi tour khép kín trong ba ngày đầu sau khi nhập cảnh. Yêu cầu về bảy ngày tour khép kín chỉ áp dụng với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vaccine nhưng các yêu cầu về thời gian đi tour khép kín sẽ thoáng hơn trong thời gian tới.

Các doanh nhân ngành du lịch cho rằng việc yêu cầu khách du lịch phải đi tour trọn gói, khép kín trong vòng bảy ngày thực chất là một kiểu cách ly y tế nhưng thật sự là không cần thiết. Cùng với việc “ép cách ly” này, yêu cầu về thị thực – vấn đề không thuộc phạm trù quản lý của ngành du lịch – chính là hai rào cản lớn khiến bạn hàng (đối tác du lịch ở nước ngoài) chưa muốn bán tour đến Việt Nam cũng như du khách ngại chưa muốn lên đường.

Đã đến lúc các rào cản kỹ thuật cần tháo gỡ. Như thế du khách quốc tế vào việt Nam mới có thể cảm nhận “Live fully in Vietnam”.

Trước đây, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực nhập cảnh công dân từ 22 quốc gia. Danh sách gồm, chín nước ASEAN (trừ Myanmar), Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Nga và Belarus.

Do đại dịch, Chính phủ đã tạm ngừng chính sách nói trên từ tháng 3-2020. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi ngày càng có nhiều đường bay quốc tế được mở lại, sẵn sàng cho việc đón du khách đến Việt Nam thì chính sách ưu tiên về thị thực – một phần không thể thiếu của việc đi lại quốc tế – vẫn còn đóng băng.

Thị thực: Doanh nghiệp phiền, khách cũng phiền

Chuyện “đóng băng” chính sách thị thực bất chấp độ nóng du lịch toàn cầu đang gia tăng, một mặt nào đó cũng góp phần làm du khách, đối tác du lịch của Việt Nam ngán ngại. Nhiều doanh nghiệp cho hay khi bàn về việc nối lại tour đến Việt Nam, các đối tác nước ngoài thường hỏi: “Có được miễn thị thực hay không”. Thậm chí, có một số đối tác đã lập tức từ chối đem tour Việt Nam lên kệ hàng vì khách du lịch phải xin thị thực thay vì được miễn như trước dịch.

Với những công ty tổ chức tour cho khách đến bằng các chuyến bay thuê bao, việc phải xin thị thực khiến đơn vị tổ chức không thể chủ động nhận khách. Trước dịch, doanh nghiệp có thể nhận khách sát giờ khởi hành, nay khách hàng đăng ký trước ba ngày là không dám nhận vì sợ không đủ thời gian xin cấp thị thực. Khách hàng cũng phiền vì phải làm thủ tục thay vì cứ cầm hộ chiếu là thoải mái lên đường.

Yêu cầu về thị thực là một rào cản kỹ thuật, khiến điểm đến “trông như mở cửa” nhưng kỳ thực là chưa. Nếu vẫn tiếp tục duy trì chính sách thị thực thì doanh nghiệp bán hàng vào thị trường du lịch châu âu mùa tới sẽ khó khăn.

Một doanh nhân tham gia chương trình thí điểm cho biết, công ty chỉ tổ chức được hai chuyến bay từ Hàn Quốc, một phần là vì nước này vừa mới thắt chặt cách ly y tế với khách trở về từ nước ngoài, phần khác là vì khó lấp đầy chuyến bay do không thể nhận khách vào phút chót. Việc gom hàng trăm khách cho một chuyến bay đã khó trong điều kiện bình thường thì nay trong dịch lại càng khó gấp nhiều lần.

“Về giá cả thì chúng tôi rất tự tin nhưng về thị thực thì không. Đối tác cũng nói thẳng là nếu không miễn như trước thì họ sẽ chuyển sang các điểm đến khác”, ông nói.

Một số doanh nhân khác cho rằng, yêu cầu về thị thực là một rào cản về kỹ thuật khiến điểm đến “trông như mở cửa” nhưng thực tế là chưa. Với các thị trường ở châu Âu, nếu Việt Nam vẫn áp dụng chính sách này thì khả năng bán hàng của doanh nghiệp trong mùa tới là rất thấp.

Chẳng hạn, với thị trường Pháp, trước khi du khách được miễn thị thực, công ty du lịch tại nước này phải gom hộ chiếu của khách hàng để gửi lên cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở Paris để cấp rồi đem về gửi lại cho khách. Từ năm 2015, khi người Pháp được miễn thị thực thì mọi việc trở nên dễ dàng, không chỉ với du khách mà hãng lữ hành cũng nhàn hơn và đã bỏ bộ phận làm thủ tục này.

“Có hãng ở Pháp muốn bán tour đến Việt Nam vào tháng 4 và tháng 5 tới nhưng khi nghe phải xin thị thực là rút luôn vì mất công và cũng không còn nhân sự để làm thủ tục”, một doanh nhân nói.

Theo ông, công ty du lịch xin thị thực cho khách đã khó, với những người tự xin thì lại càng khó hơn. Vì vậy, nếu không phục hồi chính sách như trước đây khả năng bán của công ty tại thị trường Pháp chỉ là 10%. Trong trường hợp thật sự quá cần thiết để áp dụng thị thực thì Chính phủ nên cho phép khách du lịch được cấp thị thực tại cửa khẩu như trước đây và như những nước lân cận là Lào và Campuchia đang thực hiện.

Doanh nhân này và nhiều người khác cũng thắc mắc là tại sao khi mở cửa, nhiều điểm đến cũng đồng thời phục hồi chính sách thị thực như trước dịch mà Việt Nam lại không? Nếu nói là phải dùng biện pháp này để quản lý, tránh tình trạng du khách đi lại tự do khiến dịch bùng trở lại là không hợp lý vì một khi đã nhập cảnh thì dù có hay không có thị thực, việc quản lý khách nước ngoài cũng phải tuân thủ nhiều quy định.

Những ngày gần đây, số lượng chuyến bay quốc tế thường lệ đã nhiều hơn, điểm đến chuẩn bị bước sang giai đoạn hai của chương trình thí điểm đón khách nước ngoài để hồi phục ngành du lịch, hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đã đến lúc, rào cản về thị thực, một rào cản mà doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch cùng nhiều ngành liên quan đã mất rất nhiều công sức đấu tranh để có thể có được kết quả như trước dịch, cần được tháo gỡ. Có như thế, du khách mới có thể cảm nhận “Live Fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam), đúng như khẩu hiệu mà Việt Nam đưa ra để chào đón khách nước ngoài quay lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới