Cần Quốc hội giám sát tập đoàn nhà nước
Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng Quốc hội cần thành lập bộ phận chuyên trách giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước - Ảnh minh họa: Tàu Vinashin Dragon, sản phẩm thuộc tập đoàn Vinashin |
(TBKTSG Online) - Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan, đoàn Hà Nội, Tổng giám đốc tập đoàn Việt Á cho biết sẽ có văn bản gửi Ủy ban kinh tế của Quốc hội yêu cầu tăng cường giám sát hiệu quả sử dụng vốn ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hành lang kỳ họp Quốc hội hôm 12-5, bà Phạm Thị Loan cho rằng việc kiềm chế tăng giá mà Nhà nước thực hiện như vừa qua chỉ là giải pháp tình thế. Mà giải pháp không cẩn thận sẽ gây nên những hệ quả khó lường tiếp theo. Nếu không có những biện pháp uyển chuyển, thực hiện theo lộ trình đúng phương pháp hơn sẽ xảy ra một số hệ lụy sau này.
Như vừa qua, Nhà nước thắt chặt tiền tệ và hạn chế tín dụng nhưng cùng lúc ngân hàng lại áp dụng cứng nhắc bằng cách siết chặt tín dụng các đối tượng, không có sự phân biệt. Việc này đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sản xuất khó khăn do đầu vào tăng giá mà lại không có vốn, sản xuất bị tê liệt. "Các ngân hàng là đối tượng làm rối hơn cuộc chiến chống lạm phát," bà Loan nói
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Căn cứ vào đâu bà lại đưa ra nhận định như vậy?
Bà Phạm Thị Loan: Các ngân hàng thương mại chạy đua lãi suất. Thực tế trước đây các ngân hàng thương mại (NHTM) đã vi phạm về huy động vốn. Nhà nước khống chế trần lãi suất không quá 150% nhưng nếu như lãi suất cơ bản là 6,5% mà lãi suất huy động là 12% là quá 150%. Họ đã vi phạm mà không có chế tài từ Nhà nước, vì thế họ vi phạm tiếp.
Hệ thống ngân hàng tùy tiện, cho vay tràn lan, cho vay bất động sản, chứng khoán. Khi thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán sụt giảm thì ngân hàng chết theo. Một khối lượng hàng trăm ngàn tỉ đồng đã phát ra để cho vay chứng khoán và bất động sản thì làm gì còn vốn cho vay sản xuất. Nếu siết chặt tín dụng một cách tức thời như vừa qua thì dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng. Chuyện gì sẽ xảy ra liền kề? Câu trả lời là thiếu sản phẩm, tăng giá, lạm phát vẫn tiếp tục.
Một mặt nữa người ta tung ra một lượng tiền lớn mua đô la Mỹ thì thị trường thêm lạm phát. Các NHTM lại lâm vào cảnh thiếu đô la Mỹ cho doanh nghiệp vay. Trong khi NHNN lại thừa lượng ngoại tệ. Rõ ràng điều tiết có vấn đề, mất cán cân thanh toán và dẫn đến những hệ quả sau này. Tới đây sẽ khó khăn như thế nào khi các dự án đầu tư, kinh doanh không còn sức chống đỡ nữa?. Tôi tin rằng sau tháng 6, tình hình ổn định giá cả thị trường sẽ không tốt hơn đâu mà có khả năng thiếu ổn định hơn nữa. ·
Phải chăng là vai trò của Nhà nước trong việc cân đối cung - cầu hàng hoá ở những thời điểm khó khăn là rất yếu, thưa bà?
Nhà nước phải là nhà buôn lớn điều tiết nền kinh tế đất nước. Khi cần trợ giúp mua hàng hóa cho dân thì Nhà nước phải tung tiền ra mua. Khi cần giảm thì Nhà nước cũng điều tiết đuợc. Việc điều tiết thị trường phải theo cách này nhưng hiện tại Nhà nước không can thiệp theo cách thị trường đó mà Nhà nước can thiệp bằng cơ chế mệnh lệnh hành chính. Nhà nước bảo không được đầu cơ nhưng họ cứ đầu cơ. Điều này diễn ra trong thực tế mà các đoàn kiểm tra không làm gì được.
Theo bà, sau tháng 6, liệu có xảy ra hai kịch bản, thứ nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ xấu triền miên, còn doanh nghiệp đầu cơ thì thu lời?
Rất có khả năng các doanh nghiệp đầu cơ vẫn đầu cơ và vẫn cứ thu lợi. Không thể kiểm soát đựoc việc đó. Ví dụ như giá gạo thế giới đang lên nhưng nông dân không có lợi. Cái lợi đó đang thuộc về các nhà đầu cơ, phân phối. Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ, còn tồn tại sau đó được đã là thành công rồi. Vậy Nhà nước định thế nào?Câu này phải hỏi Chính phủ mới trả lời được.
Theo ý kiến của bà, Chính phủ nên làm gì để không xảy ra các cơn bùng phát giá sau tháng 6?
Nhà nước nên là nhà buôn lớn. Muốn giữ vai trò nhà buôn lớn thật phải có phương thức tổ chức, khi nào mua vào, khi nào bán ra, ai điều tiết chuyện đó. Nhà nước đang có công cụ trong tay là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm hầu hết các lĩnh vực kinh doanh chủ lực của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nói rằng: “Nuôi quân ba năm, dụng quân một giờ” nghĩa là dùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như một lực lượng hùng hậu nhất trong cuộc chiến chống lạm phát và bình ổn giá cả?
Nói như vậy không đúng với cơ chế thị trường. Điều này chỉ đúng với lĩnh vực ngoài kinh tế thôi. Còn cơ chế thị trường là phải dùng hàng ngày, hàng giờ, phải hiệu quả và chi li. Các tập đoàn hiện nay phải nên xem lại vai trò. Cần thiết phải xem lại có nên duy trì các tập đoàn kinh tế không vì nó không giống nước nào cả. Các tập đoàn đang sử dụng vốn nhà nước một cách vô tội vạ, đầu tư sang các lĩnh vực khác như "lẩu thập cẩm". Nguyên tắc về kinh tế không có hình thức “lẩu thập cẩm” được.
Tôi nghĩ rằng các tập đoàn phải chú tâm vào ngành nghề cốt lõi. Ví dụ như Coca-Cola có mở bất động sản đâu. Sony chỉ đầu tư điện, điện tử thôi. Mô hình đầu tư dàn trải, mở rộng không kiểm soát được cỡ như Huyndai đã phá sản. Tại sao chúng ta không nhìn các bài học đó. Cái này cần chấn chỉnh để sử dụng vốn đúng mục đích. Nếu không, sẽ có những di họa khó lường.
Theo bà có nên thành lập các cơ quan kiểm định độc lập ngoài nhà nước để kiểm tra việc sử dụng đồng vốn nhà nước có hiệu quả ở các tập đoàn, tổng công ty này hay không?
Kết quả kiểm tra với những số liệu cụ thể phải trình Quốc hội và cử tri cả nước sẽ đánh giá được ngay. Thanh tra nhà nước nên kiểm tra các tập đoàn này trong việc đối chiếu với ngành nghề cốt lõi của họ và thực trạng mà họ đang đầu tư, kinh doanh.
Nhưng trong yêu cầu chống lạm phát vừa qua, Tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam đã nói rằng nếu e ngại tình trạng đầu cơ, nâng giá, các nhà thầu và người dân có thể đến thẳng Tổng công ty thép, đơn vị đang bình ổn giá như yêu cầu của Nhà nước mà mua. Tổng công ty thép Việt Nam hiện đang chiếm 38% thị phần ngành thép cả nước, thưa bà?
38% thị phần là rất lớn, nhưng có điều tiết được thị trường hay không thì chưa chắc. Nhiều nước ở thế giới không cho phép những mô hình kinh tế kiểu này chiếm 30% thị phần, nếu không dẫn đến độc quyền. Nước mình thì không khống chế.
Ngành thép Việt Nam có nhiều vấn đề. Với 38% thị phần mà găm hàng hoặc tổ chức liên kết dưới hình thức hiệp hội để thống nhất tăng giá thì nhân dân sẽ thiệt. Nhưng mà tôi cũng đố một người dân không có tên tuổi đến thẳng tổng công ty thép mà mua. Còn phần tôi, tôi tin chắc là mình không mua được theo kiểu đó.
Nhiều chuyên gia nước ngoài trong các văn bản tham vấn cho Việt Nam đã đề nghị giải tán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo bà, những gợi ý này có quá không?
Tám tập đoàn nhà nước ở Việt Nam hình thành kèm theo yêu cầu thí điểm trong hai năm qua. Mà sau thời gian thí điểm thì phải tổ chức đánh giá, nhận định hiệu quả của hình thức kiểu này một cách cụ thể xem có duy trì nữa hay thôi, hiệu quả đến đâu. May mà có một số tập đoàn nữa đang chuẩn bị hình thành đã có dấu hiệu dừng lại.
Tôi biết chắc hiệu quả không như mong muốn. Tôi đã lên tiếng về điều này từ kỳ họp thứ hai Quốc hội cuối năm 2007. Đến kỳ này, các đại biểu khác cũng không yên lặng mãi được. Đã có nhiều người lên tiếng.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tại kỳ họp này bà có lên tiếng đề nghị chính thức với Quốc hội hoặc Ủy ban kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách thực hiện các chương trình giám sát hoạt động đầu tư của Chính phủ cho các tập đoàn này hay không?
Tôi sẽ gửi văn bản chính thức tới Ủy ban Kinh tế và yêu cầu ủy ban thực hiện các chương trình giám sát.
NGỌC LAN (thực hiện)
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cùng ngày 12-5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết rằng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 12 đoàn kiểm tra lớn đi kiểm tra việc đầu cơ, kiểm soát giá cả ở một số ngành như thép, xi măng, phân bón. Riêng xi măng có tới 8/12 đoàn thực hiện việc này . Tuy chưa có kết quả cuối cùng nhưng tính đến thời điểm hiện tại, chưa có báo cáo nào về Bộ Tài chính hay Bộ Công Thương phát hiện đuợc tình trạng đầu cơ hàng hóa. N.L |