Cần sớm chấm dứt tình trạng chia mỗi tỉnh một dự án đầu tư công
Ngọc Lan
(TBKTSG Online) – Vốn đầu tư công trung hạn 2019-2021 dự tính sẽ thiếu hụt khoảng 60 ngàn tỉ đồng, chưa kể những thiếu hụt khác của ngân sách. Trong khi đó, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) hàng năm lại phân bổ cho mỗi địa phương một dự án đầu tư công. Làm sao để thoát khỏi tình trạng “thừa dự án, thiếu tiền” là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra và đưa ra những giải pháp cụ thể.
![]() |
Phải chấm dứt tình trạng mỗi địa phương được phân bổ một dự án dùng trái phiếu Chính phủ. Ảnh:TL |
Nên tiếp tục giảm đầu tư công
Đã có rất nhiều tồn tại về đầu tư công được đưa ra trong phiên thảo luận hội trường ngày 29-10 về kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2018, phương án phân bổ NSNN năm 2019 và kế hoạch tài chính – NSNN ba năm (2019-2021) cũng như đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020).
Ngay từ đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) đã chỉ ra những nguyên nhân lớn nhất liên quan đến việc thiết hụt ngân sách đầu tư để thực hiện kế hoạch tài chính 2009-2021. Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ của Chính phủ về vấn đề này thì 3 năm, dự tính vốn NSTW sẽ đầu tư 414,5 ngàn tỉ đồng, phân bổ dự kiến là 475,39 ngàn tỉ đồng. Như vậy thiếu hụt khoảng 60 ngàn tỉ đồng chưa kể đến dự án đường ven biển chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư ngân sách.
Bên cạnh đó, giảm 60.000 tỉ đồng phát hành TPCP sang vay nước ngoài. Mà vay nước ngoài thường gắn với công trình, dự án cụ thể đã được xác định trong hiệp định vay. Như vậy, những công trình sử dụng vốn TPCP khả năng thiếu vốn rất lớn. Ông đề nghị phải đánh giá kỹ về khả năng nguồn thu, nếu có nguồn thu bảo đảm thì mới bố trí được cho các dự án, nếu không thì nên giảm kế hoạch đầu tư công.
Ngay cả nguồn vốn dự phòng chung, cũng không thể chi tiêu tùy tiện. Ông Giang yêu cầu thực hiện đúng Nghị quyết 26 của Quốc hội: chỉ được sử dụng vốn dự phòng trong trường hợp nguồn thu NSNN bảo đảm theo kế hoạch và được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách. Trong khi Chính phủ trình tiêu chí phân bổ dự phòng chung bằng cách lấy nguồn dự phòng này để thanh toán cho các khoản nợ là không hợp lý.
Vẫn theo ông Giang, tờ trình của Chính phủ không ghi rõ về việc có sử dụng hết nguồn dự phòng 182 ngàn tỉ đồng của ngân sách trong khoảng thời gian 2016-2020 vì đầu tư công trung hạn còn hơn 2 năm. Trong khoảng thời gian đó có thể phát sinh những nhiệm vụ cấp bách, bất khả kháng khi thiếu hụt ngồn thu. Do vậy không thể tiêu hết nguồn dự phòng, nhất là trong trường hợp Chính phủ chưa có đánh giá, đề xuất cụ thể về sử dụng nguồn dự phòng này mà chỉ đưa ra một số tiêu chí, nguyên tắc chi tiêu là không phù hợp.
Ông Giang cũng không chấp nhận việc điều chỉnh vốn nước ngoài của các dự án đường bộ cao tốc theo hình thức từ vay lại vốn vay nhà nước sang nhà nước cấp phát đối với các dự án của Tổng công ty (TCT) phát triển đường cao tốc (VIDIFI) và TCT phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (VIDIFI) làm chủ đầu tư vì “không thể chuyển vốn vay về cho vay lại sang vốn cấp phát”, ông nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thì đặc biệt lưu ý về việc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã bị “vỡ” do tình trạng mỗi tỉnh có một dự án đầu tư công. Bà phân tích: tổng mức đầu tư sau giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỉ đồng, được đầu tư cho 9620 dự án lớn nhỏ. Hiện nay ở nhiều địa phương số lượng các dự án dở dang thiếu vốn là rất lớn. Nhất là nguồn vốn TPCP thì mỗi tỉnh thành được phân bổ một dự án.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công hạn chế, nợ công cao như hiện nay, bắt buộc phải có sự lựa chọn lại, theo phân tích của bà Mai. Và kiến nghị một số giải pháp:
(1) cương quyết thay đổi cách phân bổ nguồn lực theo hướng tuân thủ trật tự ưu tiên ở các quy định pháp luật;
(2) đề xuất dự án cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong cùng một khu vực vì lợi ích chung để khắc phục tình trạng có quá nhiều dự án nhỏ lẻ nhưng lại thiếu những dự án có quy mô lớn mang tính lan tỏa vùng miền;
(3) chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch. Một quy hoạch kém sẽ cho ra đời những dự án dàn trải, thấp hiệu quả;
(4) thực hiện nghiêm nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư ở những ngành, những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư, không muốn đầu tư hay không được phép đầu tư.
Phải có bộ tiêu chí đánh giá các dự án đầu tư
Bà Mai và nhiều đại biểu đề nghị phải có bộ tiêu chí đánh giá các dự án đầu tư công. Theo báo cáo của Chính phủ thời gian qua thì số lượng các dự án hoàn thành rất lớn. Trong giai đoạn 2011-2015 tổng số dự án hoàn thành là 1.789 dự án, nếu tính đến hết năm 2018 số lượng sẽ là 6.290 dự án. Tuy nhiên, nếu xét ở đầu ra thì hiện nay chưa có báo cáo nào khẳng định là tất cả các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực.
“Trong hàng ngàn công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, bao nhiêu công trình chưa hiệu quả?”, bà hỏi Chính phủ và Quốc hội. Và bổ sung thêm rằng: tại Nghị quyết 25/QH về kế hoạch tài chính 5 năm đã đề cập đến một nguyên tắc cơ bản, đó là thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện nguyên tắc này là chưa có. Do vậy cần hoàn chỉnh sớm bộ tiêu chí về đánh giá hiệu quả đầu ra theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế. Như theo khung đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có 3 nhóm tiêu chí và 15 nhóm tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả đầu tư, có thể lấy đó làm cơ sở tham khảo.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhận định rằng phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương (NSTW) trong kế hoạch 2 năm còn lại là không đúng quy định của Luật đầu tư công, dàn trải, kém hiệu quả và tạo cơ chế xin-cho. Các phương án của Chính phủ đã ghi tên các dự án và mức vốn cụ thể trong kế hoạch trung hạn, trong khi NSTW phải cắt giảm khoảng 60 ngàn tỉ đồng.
Do vậy, ông đề xuất nếu Chính phủ vẫn giữ khả năng cân đối nguồn như đang trình thì phải rà soát các dự án đã ghi tên, mức tiền để cắt, giảm kế hoạch trung hạn. Đồng thời sử dụng kế hoạch cắt giảm đó để bù cho các dự án đang triển khai bị thiếu nguồn, dành một phần để lập quy hoạch triển khai các dự án cấp bách và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Chấp nhận một số dự án bị đình hoãn và không sử dụng dự phòng, vì có phân bổ dự phòng cũng là cam kết không có tiền thực, làm lớn thêm số tiền ghi vào trung hạn cho các bộ, ngành địa phương, không có ý nghĩa.
Còn trường hợp Chính phủ nhất thiết phải thực hiện phân bổ theo phương án đang trình là đội thêm 60 ngàn tỉ đồng nữa thì phải cân đối thêm nguồn bằng cách xin Quốc hội cho sử dụng tăng thu NSTW 2019-2020 và trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cổ phần thoái vốn đang dư tại Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Hai phương án mà ông Hàm nêu ra, theo ông tự đánh giá là đảm bảo minh bạch trong phân bổ vốn, các bộ, ngành địa phương biết từ nay đến 2020, dự kiến có bao nhiêu tiền: “Chỉ có hai con đường hoặc là cắt giảm nhu cầu giãn hoãn tiến độ một số dự án hoặc dùng giải pháp tình thế để tăng nguồn lực và có thể thay đổi một số mục tiêu”, ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình một số vấn đề về các dự án lớn ngành giao thông
Theo chinhphu.vn