Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần tách biệt rõ quản lý nhà nước trong quản trị doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần tách biệt rõ quản lý nhà nước trong quản trị doanh nghiệp

Sơn Nghĩa ghi

(TBKTSG Online) – “Để quản lý và giám sát những tập đoàn, tổng công ty tốt hơn, Chính phủ cần tách biệt rõ ràng vai trò của quản lý Nhà nước trong hoạt động quản trị kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trả lời báo giới sáng nay, 26-10 bên lề cuộc họp Quốc hội.

Ông Ngoạn cho rằng chúng ta đang lẫn lộn giữa vốn sở hữu nhà nước và vai trò quản trị của doanh nghiệp nhà nước. “Tiền đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vào các dự án được lấy từ nguồn nào không quan trọng. Điều quan trọng là doanh nghiệp đó quản trị như thế nào để đồng tiền được sử dụng hiệu quả”, ông nói.

Theo ông, hiện các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa quan tâm nhiều đến yếu tố quản trị, cũng như cơ chế quản trị của các doanh nghiệp nhà nước nay vẫn còn lúng túng.

“Để giải quyết vấn đề này, nhà nước cần thiết kế lại quy chế quản trị doanh nghiệp, giám sát. Chính phủ cần làm rõ vai trò quản lý nhà nước, vai trò chủ sở hữu trong hoạt động kinh doanh của loại hình doanh nghiệp nhà nước. Kinh doanh và quản lý nhà nước là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Quản lý nhà nước là để điều phối hoạt động chung của cả nền kinh tế, khác với doanh nghiệp là trực tiếp sản xuất và kinh doanh. Hiện nay, chúng ta chưa tách biệt được điều này. Luật Doanh nghiệp, điều 168 đã ghi rõ phải tách chức năng quản lý nhà nước với chủ sở hữu doanh nghiệp, nhưng thực tế chúng ta chưa làm được”, ông Ngoạn nói.

Từ vụ Vinashin. Chính phủ nên nhìn lại vấn đề quản lý và giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các cơ quan quản lý phải nhìn rõ đâu là lỗ hỗng cá biệt, đâu là lỗ hỗng hệ thống để sắp xếp và rà soát lại.

Theo ông Ngoạn, để hạn chế những sai phạm của các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ nên ban hành đạo luật về đầu tư công. “Hiện nay, dự thảo về luật đầu tư công đang được Quốc hội bàn thảo. Dự thảo luật này đã được bàn luận khá lâu, nhưng vẫn chưa ra đời”, ông cho biết.

Trong báo cáo giám sát việc sử dụng vốn của các tập đoàn và tổng công ty, Quốc hội cũng đặt ra vấn đề xây dựng luật đạo luật về kinh doanh vốn nhà nước. Khi ý tưởng này đưa ra đã có nhiều quan điểm khác nhau, các đại biểu vẫn chưa thống nhất về mặt lý luận. “Chính phủ đã ghi nhận ý kiến này và giao cho các bộ xem xét. Riêng ý kiến cá nhân tôi, luật về kinh doanh sử dụng vốn nhà nước là điều cần thiết. Tuy nhiên, khi xây dựng luật này, cần xem xét kỹ để tránh chồng chéo với các luật khác hiện hành”, ông nói.

Việc tái cơ cấu và khắc phục tình trang kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, ông Ngoạn cho biết đã được Quốc hội đề xuất hướng xử lý. Đối với các tập đoàn và tổng công ty có vị trí then chốt trong nền kinh tế thì phải tiếp tục duy trì. Nếu những doanh nghiệp này gặp khó khăn về tài chính, Chính phủ phải rà soát và đánh giá ngay hiệu quả kinh doanh. Khi đánh giá, xem xét, nếu cần thiết, nhà nước sẽ tiếp tục bổ sung vốn nhằm nâng cao năng lực hoạt động của doanh nghiệp.

“Chính phủ sẽ xử lý trách nhiệm ban quản trị các công ty thua lỗ và xem xét, cơ cấu lại toàn bộ tài sản. Những tài sản nào không còn khả năng sinh lời, Chính phủ nên kiên quyết dừng. Những tài sản của doanh nghiệp đang còn hoạt động hiệu quả, do thiếu vốn, Chính phủ sẽ bổ sung thêm vốn. Những dự án kinh doanh có hiệu quả, nhưng đang thiếu vốn mà chưa cần thiết nên tạm dừng lại”, ông Ngoạn nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới