Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần tập trung phát huy các gói hỗ trợ hiện có

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần tập trung phát huy các gói hỗ trợ hiện có

Tâm Dân

(TBKTSG) – Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên tiếp tục công bố thêm các gói hỗ trợ lãi suất nhằm giúp nền kinh tế “giảm sốc” tốt hơn trước khi kinh tế thế giới quay trở về trạng thái phục hồi tăng trưởng? Sự việc chưa ngã ngũ khi các cơ quan điều hành chính sách thừa nhận vẫn chưa chính thức bàn thảo về nội dung này, trong khi đó lập trường của hai trường phái chính vẫn còn khác biệt nhau.

Một bên lập luận rằng không cần thiết có thêm gói hỗ trợ nào nữa và nên để nền kinh tế tự chủ động thích nghi dần với tình hình hậu khủng hoảng. Ngược lại bên kia thì đánh giá rằng tiến trình phục hồi toàn cầu còn khá mong manh và không nên để các doanh nghiệp tự bươn chải trong bối cảnh mà triển vọng nhìn chung vẫn còn nhiều bi quan…

Trên thực tế, các gói hỗ trợ lãi suất vay vốn, miễn giảm thuế, an sinh xã hội… do Nhà nước công bố từ đầu năm 2009 đến nay vẫn còn hiệu lực thi hành. Bản thân các gói hỗ trợ này đã đạt được các mục đích rất quan trọng:

(1) Củng cố lòng tin, động viên kịp thời về mặt tâm lý đối với toàn bộ xã hội, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng lan tràn khắp thế giới và vai trò Nhà nước nổi lên như là điểm tựa duy nhất có đủ khả năng giải cứu nền kinh tế khỏi sự sụp đổ;

(2) Ưu tiên sử dụng các công cụ tài chính để hỗ trợ trực tiếp đối với các ngành kinh tế xương sống, góp phần giảm thiểu chi phí, cải thiện năng lực đầu tư, duy trì sản xuất kinh doanh vượt qua thời điểm khó khăn nhất;

(3) Gắn chặt các giải pháp hỗ trợ riêng rẽ với các nỗ lực chung nhằm bình ổn môi trường kinh tế vĩ mô, nhất là trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, tỷ giá và lạm phát, qua đó tạo thế ổn định và phát triển đồng bộ.

Những khởi sắc của nền kinh tế cho đến thời điểm hiện nay là minh chứng khá sinh động cho sự thành công của những giải pháp hỗ trợ đã triển khai. Điều này không những có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh doanh và tiêu dùng mà còn có tác dụng lan tỏa sang những lĩnh vực quan trọng khác, cụ thể như tín hiệu phục hồi tích cực trên thị trường chứng khoán…

Hai gói hỗ trợ lãi suất đầu tư trung dài hạn (QĐ 443 ) và nông nghiệp – nông thôn (QĐ 497) mặc dù có vai trò rất quan trọng, đáp ứng những đòi hỏi bức xúc về vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhưng mức độ giải ngân vẫn còn rất thấp, điều kiện cho vay chưa phù hợp thực tế, thậm chí có phần “đánh đố” cả người đi vay và người cho vay.

Tuy nhiên, đánh giá chung về kết quả triển khai các gói hỗ trợ, nhất là gói hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng theo các quyết định 131/ 443/ 497 của Thủ tướng Chính phủ, nổi lên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn để tiếp tục phát huy hiệu quả các gói kích cầu hiện có.

Đặc biệt đối với hai gói hỗ trợ lãi suất đầu tư trung dài hạn (QĐ 443) và nông nghiệp – nông thôn (QĐ 497) mặc dù có vai trò rất quan trọng, đáp ứng những đòi hỏi bức xúc về vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhưng mức độ giải ngân vẫn còn rất thấp, điều kiện cho vay chưa phù hợp thực tế, thậm chí có phần “đánh đố” cả người đi vay và người cho vay.

Để khuyến khích các dự án đề xuất đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư chiều sâu, cơ cấu lại năng lực sản xuất, bên cạnh việc hỗ trợ lãi suất từng phần hoặc toàn bộ, đề nghị cần kéo dài thời hạn giải ngân sang đầu quí 1 hoặc quí 2-2010 nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có đủ thời gian phối hợp tính toán triển khai các phương án đầu tư thực sự khả thi.

Đối với các dự án trọng điểm, phục vụ chiến lược cạnh tranh xuất khẩu hoặc tiêu dùng nội địa theo hướng tập trung, gắn với mở rộng được thị trường mới, Ngân hàng Nhà nước cần ưu tiên quyền được bổ sung thêm nguồn vốn trung dài hạn, kể cả bằng biện pháp tái cấp vốn, hoặc giảm tỷ lệ khống chế tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ các ngân hàng thương mại triển khai nhanh dự án, thực chất đây là “giải pháp kết hợp” vừa giúp kiểm soát được quy mô tín dụng theo định hướng phát triển chung, vừa bảo đảm được hiệu quả đầu tư nhằm loại trừ ngay từ đầu những nguy cơ rủi ro gây lạm phát cao.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cần thành lập ngay “Đội đặc nhiệm đa ngành” có nhiệm vụ chỉnh sửa những bất cập trong quy chế hỗ trợ lãi suất theo QĐ 497, mặc dù những vướng mắc này đã được các ngân hàng, chính quyền cơ sở và các hộ nông dân liên tục phản ảnh nhưng việc tiếp thu phản hồi xử lý rất chậm.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những biểu hiện phục hồi tích cực, các khu vực kinh tế lớn như Nhật Bản, châu Âu đã chính thức thoát ra khỏi suy thoái, kinh tế Mỹ bắt đầu ngăn chặn được đà suy giảm, nếu chúng ta có sự điều chỉnh phù hợp đồng thời khẩn trương xúc tiến những giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các gói hỗ trợ hiện có thì cũng đồng nghĩa với việc không cần thiết phải công bố thêm những gói kích cầu mới.

Bên cạnh lý do cần phải ưu tiên hàng đầu việc sử dụng nguồn lực ngân sách khan hiếm sao cho có hiệu quả, với năng lực hạn chế như hiện nay thì việc tung ra quá nhiều gói hỗ trợ không phải là giải pháp khôn ngoan, tất yếu tạo ra nhiều sức ép phá vỡ cân bằng ngân sách đang ở thế bội chi lớn.

Về phương diện quản lý, sự xuất hiện nhiều gói hỗ trợ với thời hạn kéo dài quá mức sẽ có nguy cơ phản tác dụng, làm méo mó thị trường vốn và lãi suất. Ngoài ra sẽ kích thích các nhu cầu tài chính tiêu cực nằm ngoài tầm kiểm soát, trong đó tâm lý bao cấp luôn luôn là trở lực chính đối với động lực thích nghi và đổi mới nền kinh tế, về lâu dài sẽ gây bất lợi cho quá trình xây dựng và điều hành các chính sách vĩ mô.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới