Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần thật sự khách quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần thật sự khách quan

Nguyễn Đình Bích

Gạo xuất khẩu đang được bốc dỡ tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.

(TBKTSG) – Với khối lượng gạo xuất khẩu 6 triệu tấn và kim ngạch 2,435 tỉ đô la Mỹ (theo giá FOB), một quan chức của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng năm 2009 có thể nói là đã đạt được thành tích cao cả về lượng lẫn giá trị. Thế nhưng, các số liệu thống kê cho thấy, đánh giá như vậy là chưa thật khách quan.

Trước hết, không ai có thể phủ nhận được rằng, kỷ lục 6 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2009 là điều đáng nói bởi sản lượng lúa của nước ta theo ước tính của các cơ quan quản lý chỉ tăng vỏn vẹn 116.000 tấn so với năm 2008, tương ứng với không quá 65.000 tấn gạo, trong khi khối lượng gạo xuất khẩu tăng vọt 1,327 triệu tấn, tức là tăng gấp hơn 20 lần mức tăng sản lượng.

Điều này có nghĩa là, trong những năm qua, luôn luôn có những khối lượng lúa gạo rất lớn tồn kho ở đâu đó. Và như vậy, việc tiêu thụ hết khối lượng lúa hàng hóa trong dân là một sức ép không nhỏ và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã đạt được thành tích cao trên phương diện này.

Thế nhưng, cũng cần thấy một thực tế khác là khi lượng lúa hàng hóa trên thị trường luôn dồi dào, thì đó cũng là sức ép đẩy giá lúa hàng hóa xuống, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đây chính là khía cạnh chưa thật khách quan trong nhận định của vị quan chức VFA.

Trước hết, việc giá gạo thế giới năm 2009 “rơi tự do” là một thực tế khách quan không thể phủ nhận. Nhưng dường như chính các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta đã tận dụng quá mức thuận lợi này để đẩy giá gạo xuất khẩu của nước ta “rơi tự do” mạnh hơn.

Từ các số liệu thống kê của VFA có thể thấy, với kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,435 tỉ đô la Mỹ trong năm 2009, tuy chỉ “thấp hơn một chút” so với 2,663 tỉ đô la của năm 2008, nhưng do khối lượng gạo xuất khẩu tăng cao nên giá gạo xuất khẩu bình quân của nước ta chỉ đạt 405,71 đô la Mỹ/tấn, tức là giảm tới 162,43 đô la/tấn (tức 28,7%) so với năm 2008.

Rõ ràng, với mức giá giảm như vậy thì không thể nói là chỉ “thấp hơn một chút” được. Nếu so với Thái Lan, mức giảm này là quá lớn.

Các số liệu thống kê của Thái Lan cho thấy giá xuất khẩu sáu loại gạo trắng trong năm 2009 đạt 548,56 đô la Mỹ/tấn, chỉ giảm 123,54 đô la/tấn (tức 18,38%) so với năm 2008, còn nếu tính chung cả “rổ gạo xuất khẩu” gồm 29 loại của nước này thì mức giảm còn thấp hơn nữa: chỉ là 105,70 đô la Mỹ/tấn (tương ứng 15,33%).

Như vậy, nếu khoảng chênh lệch về giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan trong năm 2008 là hơn 100 đô la/tấn, thì sang năm 2009 khoảng 140 đô la/tấn. Còn trong bốn năm 2004-2007, khoảng cách này chỉ dao động trong khoảng 24-55 đô la/tấn.

Tất cả những điều nói trên cho thấy, việc giá gạo xuất khẩu của nước ta trong năm 2009 giảm quá mạnh là điều không thể phủ nhận. Nhưng, cách nhìn về hoạt động xuất khẩu gạo của vị quan chức VFA có phần còn nặng về thành tích, mà chưa thấy “căn bệnh” bán rẻ những hạt vàng của nông dân vốn đã nặng trong năm 2008 lại còn nghiêm trọng hơn rất nhiều trong năm 2009.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới