Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Can thiệp và thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Can thiệp và thị trường

Tư Giang

Khách hàng giao dịch tại ABBank. Ảnh: Minh Khuê.

(TBKTSG) – “Chúng tôi phải dùng những biện pháp hành chính để can thiệp thị trường”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Ngọc Bảo đã thốt lên như vậy khi nói về những khó khăn khi điều hành chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm nay. Đã có hàng loạt những chính sách mang tính mệnh lệnh hành chính để quản lý các lĩnh vực tiền tệ như lãi suất, tín dụng, tỷ giá, vàng…

Tuy nhiên, sự thừa nhận đó đáng để nhắc lại khi nó được vị quan chức này nêu ra trước đông đảo các nhà kinh tế trong và ngoài nước, giới doanh nghiệp và báo chí trong một hội thảo do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội đầu tuần này. Cách quản lý hành chính như vậy, trong bối cảnh như vừa qua, lại giúp ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt là tỷ giá.

Ông Bảo không phải là quan chức duy nhất thừa nhận công khai thực tế này. Bộ Công Thương, với trách nhiệm phải hạn chế nhập siêu, vốn là một trong những nguyên nhân gây bất ổn kinh tế, cũng chẳng ngại ngần gì đưa ra những can thiệp tương tự. Giấy phép nhập khẩu tự động; khai báo giá; giới hạn nhập khẩu ô tô, rượu, điện thoại và mỹ phẩm… là những chính sách mang đậm tính hành chính. Đại diện của bộ này nói trong buổi giao ban sáu tháng đầu năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì: “Biết thế nào được, chúng tôi sẽ tiếp tục phải hạn chế bất cập này (nhập siêu) bằng nhiều biện pháp, dù nhiều doanh nghiệp kêu”.

Rõ ràng, tình thế khẩn cấp đòi hỏi những hành động khẩn cấp. Đến một thể chế như Ngân hàng Thế giới cũng chia sẻ cách giải quyết này. “Tôi thấy những biện pháp đó (giới hạn nhập khẩu hàng xa xỉ tại ba cửa khẩu) cũng có thể chấp nhận được để xử lý hoàn cảnh này”, Giám đốc Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa nói với các nhà báo sau khi nghe hàng loạt than phiền từ cộng đồng doanh nghiệp. Như nhận xét của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đối mặt với vòng luẩn quẩn lạm phát – đồng tiền phá giá – lạm phát đã hình thành và khó phá vỡ. Thật đáng buồn, trong khi các nền kinh tế thế giới, hay ít nhất là ở Đông Á, đang dần ra khỏi khủng hoảng toàn cầu 2008-2009, thì đất nước này vẫn mắc kẹt trong tình trạng đó, kéo theo những biện pháp vừa gây bối rối cho các nhà quản lý, vừa gây lúng túng cho doanh nghiệp.

Những biểu hiện như trên, dù mới chỉ điểm sơ qua hai bộ, đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều kể từ đầu năm 2008. Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa nhớ lại, ngay từ lúc đó, một chuyên gia có uy tín ở Văn phòng Chính phủ đã nói, ông cảm thấy lo lắng rằng, mất mát về kinh tế có thể không lớn bằng mất mát về phương châm điều hành. Đó là quay lại các công cụ hành chính mà nền kinh tế này đã cố thoát ra được nhờ đổi mới. Những gì diễn ra gần đây, theo ông Nghĩa, chứng minh lo ngại của chuyên gia trên. Cũng tại hội nghị trên ông Nghĩa nói: “Bất ổn kinh tế vĩ mô kéo theo nhiều vấn đề về cách thức điều hành. Lạm dụng công cụ hành chính và đình trệ chương trình cải cách. Giờ không ai dám nói cổ phần hóa, tái cấu trúc tập đoàn, không ai dám nói minh bạch hóa tài chính công, nhất là trong các tập đoàn”.

Biện pháp hành chính, ở góc độ khác lại là cơ hội phát sinh tình trạng tiêu cực trong một số lĩnh vực. Là một trong những người biết tường tận hệ thống ngân hàng, ông Nghĩa nói thẳng: “Các ngân hàng thương mại giờ lại thích công cụ hành chính vì dễ trốn, dễ vô hiệu hóa nó. Trần lãi suất, hạn mức tín dụng nói vậy mà không phải vậy. Nếu (Ngân hàng Nhà nước) muốn sử dụng công cụ thị trường là họ phản đối vì không trốn tránh được. Chưa bao giờ mà hệ thống tài chính bị tàn phá về đạo đức như thế”. Kinh tế vĩ mô, dù thế nào đi nữa, rồi cũng sẽ ổn định trở lại. Song sự thành công đó sẽ trả giá không ít bởi danh sách dài dằng dặc các biện pháp hành chính trong đủ mọi lĩnh vực, mà phần nhiều trong số đó đi ngược lại nền “kinh tế thị trường” mà Việt Nam theo đuổi. Ông Nghĩa nói: “Đó là nguy cơ chúng ta còn tiếp tục phải giải quyết trong những năm tới”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới