Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần thiết lập hệ thống luật kiểm toán ổn định

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần thiết lập hệ thống luật kiểm toán ổn định

Thành Trung thực hiện

Ông Gary Pflugrath.

TBKTSG trò chuyện với tiến sĩ Gary Pflugrath, chuyên gia tư vấn chính sách, kiểm toán và đảm bảo, thuộc Hội Kế toán công chứng Australia (CPA Australia), nhân dịp ông sang Việt Nam tham gia hội thảo giới thiệu Luật Kiểm toán độc lập, do CPA Australia phối hợp với Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tổ chức tuần rồi tại Hà Nội.

Tiến sĩ Gary Pflugrath nói: Việc một tổ chức kiểm toán độc lập đầu tiên hoạt động tại Việt Nam từ năm 1991 đánh dấu bước phát triển ban đầu của lĩnh vực này. Sau đó, Chính phủ đã ban hành các nghị định (07/1994, 105/2004, sau đó là các nghị định 133 và 130 nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định 105 – PV) về kiểm toán độc lập.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây chính là thời điểm Việt Nam cần tích cực triển khai các nghị định đó thành một bộ luật hoàn chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các hoạt động kiểm toán tại Việt Nam.

– TBKTSG: Vậy ông có lời khuyên gì cho Việt Nam trong việc ban hành một đạo luật kiểm toán độc lập theo thông lệ quốc tế?

– Trong môi trường toàn cầu, cần đảm bảo các quy định chuẩn mực và môi trường thực tế đáp ứng những kỳ vọng quốc tế ở mức cao nhất. Điều này có nghĩa là luật ở Việt Nam phải dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm toán và kiểm soát chất lượng (do Ban Chuẩn mực Kế toán và Kiểm toán quốc tế – IAASB ban hành) và Chuẩn mực đạo đức đối với các kế toán viên chuyên nghiệp (do Ban Chuẩn mực Đạo đức quốc tế về kế toán – IESBA ban hành).

– TBKTSG: Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập của Việt Nam dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội trong tháng 5 tới. Theo ông, làm cách nào để đảm bảo chất lượng báo cáo tài chính của các công ty kiểm toán?

– Các công ty kiểm toán ở Australia đều là những công ty, tổ chức hoặc doanh nghiệp tư nhân nên họ không công khai các báo cáo hoạt động tài chính. Vì vậy, họ phải chuẩn bị một loại báo cáo đặc thù để phù hợp với quy định chung.

– TBKTSG: Ý của chúng tôi là ở Việt Nam đã có trường hợp công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính với các số liệu sai lệch, dẫn đến nhiều hệ lụy. Làm thế nào để hạn chế việc các báo cáo tài chính bị “bóp méo”, gây ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông?

– Những thông tin được cung cấp trong báo cáo tài chính là trách nhiệm của các công ty chủ thể, chứ không phải của kiểm toán viên. Vai trò của kiểm toán viên là đưa ra những kết luận nhằm đánh giá các báo cáo tài chính đã được chuẩn bị đầy đủ và có đáp ứng được các quy định hiện hành hay chưa.

– TBKTSG: Điều này có liên quan đến trình độ của kiểm toán viên?

– Đúng. Công tác theo dõi và kiểm tra các kiểm toán viên của các viên chức ASIC (Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia) tại Australia là một yếu tố quan trọng để đảm bảo các kiểm toán viên hoàn thành nhiệm vụ đã được giao. ASIC có quyền đưa các kiểm toán viên ra Hội đồng kỷ luật nếu họ cho rằng kiểm toán viên đó làm việc chưa hiệu quả. Hội đồng kỷ luật có thể ghi nhận thông tin phản hồi từ ASIC và sẽ tiến hành kỷ luật kiểm toán viên nếu đúng sự thật, chẳng hạn loại kiểm toán viên đó ra khỏi danh sách đăng ký hành nghề.

– TBKTSG: Theo ông, trong thủ tục đăng ký thực hành kiểm toán độc lập thì những yêu cầu nào Việt Nam cần đáp ứng để có một hệ thống đăng ký hiệu quả?

– Một hệ thống đăng ký hiệu quả đòi hỏi các kiểm toán viên phải đáp ứng được các yêu cầu: (i) có khả năng và bằng cấp phù hợp; (ii) có đủ kỹ năng; (iii) có đủ kinh nghiệm làm việc; và (iv) được xem là “đủ tư cách”, chẳng hạn không bị phá sản hoặc có tiền án tiền sự.

Hơn nữa, quá trình đăng ký cần đảm bảo rằng một khi các nhà kiểm toán đã đăng ký hành nghề thì điều thiết yếu là phải duy trì sự phát triển chuyên môn, thông qua các khóa huấn luyện kỹ năng. Bên cạnh đó, yêu cầu cấp thiết trong việc đăng ký hành nghề là phải đưa ra một chương trình giám sát, quản lý để đảm bảo các nhà kiểm toán đáp ứng được yêu cầu trong việc đăng ký hành nghề và tiến hành kiểm toán phù hợp…

– TBKTSG: Luật Kiểm toán độc lập ra đời sẽ có tác động ra sao tới thị trường chứng khoán của Việt Nam?

– Mục đích của việc kiểm tra báo cáo tài chính là nâng cao mức độ tin tưởng của người sử dụng báo cáo tài chính. Kiểm toán viên sẽ cho những ý kiến đánh giá khách quan về việc chuẩn bị báo cáo tài chính đã đầy đủ và phù hợp với những quy định hiện hành hay chưa. Một khi người sử dụng tin tưởng vào báo cáo tài chính do các công ty cung cấp thì sẽ giúp cho thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả. Điều này đúng với cả Australia lẫn Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới