Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần Thơ: 34 điểm bán hàng ‘mang chợ ra phố’ đáp ứng yêu cầu phòng chống Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần Thơ: 34 điểm bán hàng ‘mang chợ ra phố’ đáp ứng yêu cầu phòng chống Covid-19

Huỳnh Kim – Trung Chánh

(KTSG Online) – Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Cần Thơ đã quyết định triển khai 34 điểm bán hàng “mang chợ ra phố”. Đây là hình thức mua bán vừa đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu cho người dân, vừa đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Cần Thơ: 34 điểm bán hàng ‘mang chợ ra phố’ đáp ứng yêu cầu phòng chống Covid-19
Hai điểm bán hàng "mang chợ ra phố" được mở vào chiều 22-7 ở khu làng báo Cần Thơ, đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều. Ảnh: Huỳnh Kim

Theo đó, 34 điểm bán hàng “mang chợ ra phố” được phân bố rộng khắp trên địa bàn các quận, huyện của TP Cần Thơ. Trong đó, địa bàn quận Ninh Kiều và Cái Răng mỗi nơi có có 3 điểm; quận Bình Thuỷ 4 điểm;  quận Ô Môn 13 điểm; quận Thốt Nốt 1 điểm; huyện Phong Điền và Thới Lai mỗi nơi 1 điểm; huyện Cờ Đỏ 5 điểm và huyện Vĩnh Thạnh 3 điểm.

Theo đó, tại các điểm bán hàng “mang chợ ra phố”, các loại hàng hoá thiết yếu ở các điểm bán được niêm yết giá công khai để người dân biết, chọn mua.

Cụ thể, điểm bán trên đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ (ngay báo Cần Thơ), su su có giá 35.000 đồng/kg, cải thảo 35.000 đồng/kg, cải ngọt 25.000 đồng/kg, cam sành 35.000 đồng/kg, gừng 75.000 đồng/kg. Thế nhưng, nhìn chung giá các loại rau, cải dao động từ 25.000-40.000 đồng/kg, tuỳ loại.

Trong khi đó, điểm bán gần Văn phòng đại diện Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tại Cần Thơ (đường Trần Văn Hoài), giá heo ba rọi là 160.000 đồng/kg, sườn non là 180.000 đồng/kg, nạc dăm 140.000 đồng/kg, thịt đùi 120.000 đồng/kg, xương ống 100.000 đồng/kg…

Tại các điểm bán có niêm yết giá để người dân biết chọn mua. Ảnh: Huỳnh Kim

Theo tìm hiểu của KTSG Online, trước khi triển khai các điểm bán hàng “mang chợ ra phố”, ông Trần Hải Long, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ đã có văn bản gửi các quận, huyện về việc tổ chức các điểm bán hàng bình ổn.

Theo đó, đơn vị này đề nghị các quận, huyện tạm dừng hoạt động các chợ ở những địa phương này, thay vào đó sẽ triển khai chuyển đổi mua bán, cung cấp thực phẩm, hàng hoá thiết yếu theo hình thức phân tán, lưu động nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.  

Liên quan vấn đề nêu trên, trao đổi với KTSG Online vào chiều nay, 22-7, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, do số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở địa phương đang tăng nên công tác kiểm soát, phòng, chống dịch phải ngày càng chặt chẽ.

Cụ thể, sau vụ lây lan từ chợ Tân An ở quận Ninh Kiều hôm 11-7, TP Cần Thơ phải tạm đóng cửa 33 chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tự phát ở Ninh Kiều và Cái Răng cùng với 31 chợ ở các quận, huyện còn lại.

Theo ông Trường, để phục vụ người dân, ngoài hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện ích, “chợ 0 đồng”, các điểm “bình ổn giá”…, UBND TP Cần Thơ cũng chủ trương chuyển đổi phương thức mua bán, cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu theo hình thức phân tán, lưu động đến người dân nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

"UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu Sở Công Thương và các quận, huyện khảo sát các địa điểm phù hợp để “đưa chợ ra phố”, kịp thời phục vụ người dân với điều kiện phải tuân thủ nghiêm “5K”", ông Trường cho biết và nói rằng, hệ thống 34  "chợ" này ra đời đã được bà con ủng hộ vì đáp ứng được nhu cầu đi chợ hàng ngày của người dân. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới