Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần Thơ đề xuất hai phương án hướng tuyến cầu Ô Môn nối đến Đồng Tháp

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – TP Cần Thơ đề xuất hai phương án hướng tuyến kết nối hợp phần xây dựng cầu Ô Môn bắt qua sông Hậu kết nối giữa địa phương này với tỉnh Đồng Tháp. Đề xuất này được đưa ra để làm cơ sở báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ là Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Cầu Ô Môn đề xuất bắc qua sông Hậu sẽ là một trong ba cầu lớn bắc qua sông này. Trong ảnh là cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nằm về phía thượng lưu cầu Ô Môn được đề xuất đầu tư. Ảnh: Trung Chánh

UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp về phương án tuyến kết nối với hợp phần xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu thuộc dự án Phát triển TP Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu tham gia chương trình DPO (hỗ trợ ngân sách có mục tiêu) trên địa phận tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, UBND TP Cần Thơ đề xuất hai phương án hướng tuyến kết nối với hợp phần xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu.

Phương án 1: Từ vị trí giao quốc lộ 80 ở khu vực Đông Nam TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), tuyến đi về phía Tây giao cắt đường tỉnh 853. Sau đó, tuyến đi giữa khu vực quy hoạch 2 khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai, vượt sông Hậu tại vị trí phà Thới An- Phong Hoà khoảng 2,5 km về phía thượng lưu (cách cù lao Tân Lộc khoảng 4,8 km thuộc phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Tuyến tiếp tục đi về phía Tây, giao quốc lộ 91 ở phía Bắc cầu Ô Môn hiện tại. Sau đó, đi qua khu vực Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), song song và cách sông Ô Môn khoảng 2,5 km và song song đường tỉnh 922E (phía Tây thị trấn Thới Lai) để đi về phía Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Phương án này có chiều dài toàn tuyến liên vùng khoảng 69 km.

Phương án 2: Từ vị trí nút giao tuyến tránh TP Sa Đéc (đường tỉnh 852B) với tuyến N1 quy hoạch (phía Đông Nam TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), tuyến đi về phía Tây, giao cắt quốc lộ 80 và đường tỉnh 852. Sau đó, tuyến đi giữa khu vực quy hoạch 2 khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai. Tiếp theo, hướng tuyến sẽ nhập vào hướng tuyến như phương án 1. Chiều dài toàn tuyến liên vùng của phương án 2 khoảng 70 km.

UBND TP Cần Thơ cho biết, việc đề xuất 2 phương án hướng tuyến như nêu trên để làm cơ sở đề xuất, báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Nhà tài trợ là JICA.

Vào tháng 9 năm ngoái, UBND TP Cần Thơ cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc “hỗ trợ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách Trung ương cho Cần Thơ”. Trong đó, địa phương muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận đầu tư dự án cầu Ô Môn kết nối từ quận Ô Môn (TP Cần Thơ) sang huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp).

Lúc bấy giờ, dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 2.500 tỉ đồng, ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác 4.500 tỉ đồng.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp mới đây, UBND TP Cần Thơ cho biết, JICA bày tỏ sự quan tâm việc đầu tư đồng bộ và hiệu quả liên kết vùng của các dự án đề xuất của TP Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang.

Hiện tuyến kết nối vào cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp chưa có, cho nên, để đáp ứng yêu cầu đồng bộ, liên kết vùng theo quy hoạch ĐBSCL, UBND TP Cần Thơ muốn UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét, có ý kiến về việc đầu tư tuyến kết nối vào cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu tham gia chương trình DPO.

Liên quan đề xuất nêu trên, ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Giao thông Vận tải địa phương này phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh theo các nội dung đề xuất của UBND TP Cần Thơ, chậm nhất trước ngày 19-8-2022.

Ngoài cầu Ô Môn được đề xuất đầu tư, hiện có hai cầu lớn bắc qua sông Hậu gồm cầu Vàm Cống nối từ TP Cần Thơ qua tỉnh Đồng Tháp và cầu Cần Thơ nối từ Cần Thơ qua tỉnh Vĩnh Long.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới