Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần tính đến nhiều khía cạnh khác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần tính đến nhiều khía cạnh khác

Lê Minh Tiến

Sinh viên được nhận học bổng du học thông qua sự tài trợ của nhà doanh nghiệp – Ảnh: Lê Toàn. (ảnh chỉ mang tính minh họa)

(TBKTSG) – Nhân đọc bài “Gắn kết chất lượng đào tạo với nhu cầu thực tế”, TBKTSG số ra ngày 30-7-2009.

Trong vài năm gần đây, sau nhiều lời than phiền về chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chủ trương đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội cho các trường nghề cũng như bậc cao đẳng, đại học trên cả nước (gọi chung là cơ sở đào tạo). Nhiều ý kiến từ phía người sử dụng lao động tỏ ra đồng tình với chủ trương này và cho rằng đó là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Từ đó, các mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, liên kết với doanh nghiệp hoặc đào tạo theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp được xem như là những giải pháp tối ưu và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn sẽ thấy mô hình này dù có thể giải được bài toán nhân lực trong ngắn hạn nhưng cũng bộc lộ những hạn chế.

Khi các cơ sở đào tạo phải đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp thì hệ lụy đầu tiên là gián tiếp thu hẹp quyền được hiểu biết và khả năng tìm việc của người học. Chẳng hạn một trường đại học đào tạo sinh viên theo yêu cầu của công ty A. Công ty A sẽ đặt ra một số yêu cầu về kiến thức, kỹ năng làm việc phù hợp cho hoạt động của mình và cơ sở đào tạo chỉ dạy cho người học những kiến thức hay kỹ năng đó mà thôi. Như vậy là “quyền được học” và “quyền được biết” của người học đã bị hạn chế vì tất cả kiến thức và kỹ năng nằm ngoài “đơn đặt hàng” đều có thể bị xem là không cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng tìm việc của người học cũng bị hạn chế bởi họ chỉ được đào tạo những kỹ năng thích hợp để làm việc cho công ty A.

Về tính tự chủ trong đào tạo của các trường thì hệ quả còn lớn hơn: “chân lý” vốn là mục tiêu tối thượng của giáo dục sẽ bị thay thế bằng lợi ích của doanh nghiệp.

Một ví dụ cụ thể là câu chuyện hãng Nike đã từng hủy hợp đồng tài trợ cho một số trường đại học của Mỹ chỉ vì các giảng viên và sinh viên đã có những bài viết chỉ trích tình trạng sử dụng lao động trẻ em của hãng này. Như vậy, có thể thấy, khi các cơ sở đào tạo bắt tay với doanh nghiệp thì nhà trường sẽ chỉ “được phép” nói và làm những gì mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà họ liên kết.

Cuối cùng, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp có nghĩa là doanh nghiệp sẽ là người định hướng cho các cơ sở đào tạo. Nói cách khác, chính doanh nghiệp mới là ông chủ thật sự của nhà trường; còn giảng viên, người học sẽ chỉ là công cụ của doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy chiếc chìa khóa để cải tổ hay nâng cao chất lượng đào tạo không phải đến từ doanh nghiệp mà phải từ giới quản lý giáo dục – đào tạo của quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới