Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần tính đến sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần tính đến sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Nếu có một cuộc thăm dò ý kiến trong người dân và giới doanh nghiệp xem hiện tại và sắp tới điều mà họ quan tâm, lo lắng nhất là gì, hẳn câu trả lời sẽ là phí và giá. Giá tăng, phí tăng là câu chuyện đầu môi nơi công sở, bên bàn ăn gia đình và giữa bạn bè. Một tâm lý nặng nề, lo âu về cuộc sống và khó khăn trong xoay xở, làm ăn đang bao phủ nhiều giới chứ không chỉ người nghèo.

Với người dân, họ đang thấy mức sống giảm dần do giá điện, giá xăng, viện phí và hàng loạt mặt hàng khác tăng giá, mặc dù cho tới nay chưa có một cuộc điều tra nào để cho thấy một cách cụ thể sự sụt giảm trong mức sống của người dân trong mấy năm qua. Với doanh nghiệp, ta có những con số rõ ràng hơn. Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2011 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 14-3 vừa qua cho biết: trong năm qua có 77.548 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong khi có đến 79.014 doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt động tính đến 31-12-2011. Riêng tại TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, trong hai tháng đầu năm nay đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, cho biết nguyên nhân khiến một số lượng lớn doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động là do chi phí sản xuất kinh doanh quá cao. Đó là điều tất nhiên trong bối cảnh chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, lãi suất ngân hàng cao, tiếp cận vốn vay hết sức khó khăn. Nhưng không chỉ có vậy, không chỉ phải đối phó với lãi suất cao và khó khăn vay vốn, những đợt tăng liên tiếp giá điện, xăng dầu – là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất kinh doanh – càng khiến doanh nghiệp lao đao, cạn sức chịu đựng cho dù họ có muốn duy trì giá bán sản phẩm, dịch vụ ở mức hợp lý để vừa có lãi hầu tiếp tục hoạt động vừa giữ được thị trường, chưa nói đến việc nâng sức cạnh tranh.

Bước vào năm 2012, với chính sách ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục chống lạm phát, doanh nghiệp hẳn đã có thể dự báo tình hình chưa thể nào sáng sủa hơn. Nhưng mới vào quí 1, xăng dầu lại đã tăng giá mạnh (riêng xăng tăng tới 10%). Điện trước mắt chưa tăng giá nhưng căn cứ vào lập luận lâu nay của lãnh đạo ngành này, việc tăng giá chỉ là vấn đề thời gian. Giá vé máy bay của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam thì đã tăng từ năm ngoái trong khi giá cước vận tải biển của các hãng tàu nước ngoài cũng đã tăng trở lại từ tháng 3 năm nay. Tuy vậy, đè nặng lên tâm lý người dân và doanh nghiệp là hàng loạt phí mới (phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành, phí đi vào trung tâm các thành phố lớn) mà ngành giao thông đã và đang quyết áp lên các phương tiện giao thông vận tải. Cộng dồn cả cũ và mới (nếu tất cả được thông qua), tính ra mỗi chiếc ô tô sẽ phải chịu cả chục loại phí. Chính trong bối cảnh đó mà lãi suất huy động mới đây tuy có hạ 1 điểm phần trăm nhưng đã không mang lại mấy hiệu ứng tích cực nơi doanh nghiệp.

Thị trường hóa giá cả để nền kinh tế không bị méo mó là điều không ai không đồng tình. Tuy nhiên, sau thời kỳ kìm nén quá lâu, việc trả giá cả về với thị trường không thể không tính đến một lộ trình và những bước đi thích hợp, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới và suy thoái kinh tế trong nước; không thể không tính đến sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân. Đó là chưa nói đến việc phải dẹp bỏ độc quyền, tạo cơ chế cạnh tranh thực sự, chống lãng phí thất thoát ngân sách một cách hiệu quả. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận nơi người dân và doanh nghiệp khi buộc họ phải móc hầu bao trả thêm đủ loại phí, đủ loại tăng giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới