Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần tính đến việc gia tăng FDI từ Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần tính đến việc gia tăng FDI từ Trung Quốc

Lan Nhi thực hiện

Ông Trần Đình Thiên.

(TBKTSG) – TBKTSG trao đổi với ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, xung quanh vấn đề dòng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian tới.

TBKTSG: Ông nhận xét thế nào về tình hình đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam? Đặt trong tương quan so sánh với quan hệ thương mại, vị trí địa lý và một số điểm tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia thì tình hình và mức độ đầu tư đó, theo ông, nói lên điều gì?

Ông Trần Đình Thiên: Đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam cho đến nay đứng thứ 15 trong số các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Quy mô tuyệt đối không nhỏ và tốc độ tăng nhanh trong những năm gần đây là hai đặc trưng quan trọng của dòng đầu tư này. Tuy trong quan hệ so sánh với một số chỉ số như kim ngạch ngoại thương giữa hai nước, sự gần kề về địa lý, hay so với khối lượng tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc thì những con số nêu trên có vẻ còn “hơi khiêm tốn”. Để đánh giá đúng vị thế “hơi khiêm tốn” của dòng vốn này, nên lưu ý đến cơ cấu đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam xét theo trình độ công nghệ, đến hiệu ứng “kép” do tác động cộng hưởng của đầu tư với các tác động khác – ví dụ như tác động của ngoại thương, với xu hướng tăng mạnh nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam…

TBKTSG: Một số phân tích cho rằng, quy mô đầu tư FDI của Trung Quốc tại Việt Nam nhỏ, các lĩnh vực đầu tư không phải là thế mạnh của Trung Quốc, nhiều dự án sử dụng công nghệ lạc hậu. Hơn nữa, Hiệp định Tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) càng tạo thêm thuận lợi về thuế quan cho hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam nên đầu tư FDI vào Việt Nam cũng không phải là đích đến của doanh nghiệp Trung Quốc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

– Tôi nghĩ các lập luận nêu trên không đúng. Trên thực tế, Trung Quốc đang triển khai mở rộng hoạt động kinh tế với Việt Nam trên nhiều mặt. Họ không xem nhẹ mặt nào. Nói rằng Việt Nam chưa được coi là “đích đến” trong chiến lược FDI của các doanh nghiệp Trung Quốc là một đánh giá vừa thiếu cơ sở thực tiễn, vừa không phản ánh một tầm nhìn dài hạn, lại cũng không đúng về mặt lý thuyết. Cách đây chừng một năm, khi tôi sang tìm hiểu kinh nghiệm phát triển của tỉnh Quảng Đông và triển vọng phát triển kinh tế của tỉnh này, một số học giả Trung Quốc nói thẳng rằng xét theo chu kỳ công nghệ thì nhiều doanh nghiệp của Quảng Đông, cũng như của những tỉnh khác có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, như Phúc Kiến chẳng hạn… đang có nhu cầu di chuyển công nghệ “quá đát”, có trình độ tương đối thấp và gây nhiều ô nhiễm ra ngoài để tiếp nhận thế hệ công nghệ cao hơn. Đối với các doanh nghiệp ở những đặc khu phát triển cực nhanh như Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, nhu cầu đó càng bức bách.

Thực ra, đầu tư ra ngoài để di chuyển cơ cấu, nhằm tiếp nhận cơ cấu có trình độ công nghệ cao hơn là xu hướng tất yếu trong sự phát triển kinh tế. Trung Quốc tăng trưởng nhanh như vậy nên càng cần đầu tư ra ngoài để thực hiện sự di chuyển cơ cấu. Các học giả Trung Quốc nói rõ rằng hiện nay, các nền kinh tế ASEAN là thị trường đầu tư ưu tiên để làm việc đó. Trong ASEAN, Việt Nam là địa chỉ thuộc loại tốt nhất. Đó là sự lựa chọn, không nghi ngờ gì, rất hợp lý về mặt kinh tế. Ít nhất là như vậy.

Trong tầm nhìn rộng hơn, hãy liên hệ xu hướng di chuyển đầu tư và công nghệ đó với nỗ lực xây dựng “hai hành lang, một vành đai” phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay xa hơn, chiến lược “một trục, hai cánh” mà Trung Quốc muốn thiết lập với ASEAN. Hiện nay, xu hướng tăng giá đồng nhân dân tệ càng thúc đẩy quá trình này.

Trong tầm nhìn chiến lược, Việt Nam cần nghiêm túc tính đến xu hướng gia tăng mạnh đầu tư trực tiếp với công nghệ không cao từ Trung Quốc vào Việt Nam và ASEAN và cẩn trọng vì xu hướng này sẽ tác động rất mạnh đến triển vọng phát triển của nước ta – theo cả nghĩa cơ hội lẫn thách thức.

TBKTSG: Ông có cho rằng, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam không tăng trưởng mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu vì hiện tại Trung Quốc là nhà thầu công trình lớn nhất ở Việt Nam. Do vậy, việc thu được lợi nhuận từ các gói thầu còn hấp dẫn hơn nhiều so với đầu tư trực tiếp? Theo ông, nếu đúng, thì hệ lụy của nó đối với kinh tế Việt Nam là gì?

– Tôi không nghĩ như vậy. Trung Quốc có đủ năng lực vật chất cũng như sự quan tâm chiến lược rộng lớn để triển khai các hoạt động “trên toàn tuyến”, cả đầu tư lẫn thương mại.

Nên lưu ý rằng cho đến nay, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn được coi là “hấp dẫn” bậc nhất thế giới. Đa số các nhà đầu tư nước ngoài không tiếc lời ca ngợi Việt Nam là “thiên đường đầu tư”. Tại sao họ nói như vậy? Trong nhiều lẽ, thì lẽ quan trọng nhất có thể là Việt Nam đang mang lại cho họ rất nhiều lợi ích. Tại sao lại nghĩ rằng các nhà đầu tư của Trung Quốc lại bỏ qua thực tế này?

Tất nhiên, về phía Việt Nam, cũng cần phân tích kỹ càng những lời ca ngợi loại này. “Thiên đường đầu tư” mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là điều chắc chắn, nhưng không hẳn nó đã mang lại lợi ích như vậy cho Việt Nam. Thậm chí, thực tế còn cung cấp nhiều ví dụ chứng tỏ rằng không ít dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài gây ra những tổn hại, thua thiệt lớn cho Việt Nam, nhất là khi nhìn trong tầm nhìn dài hạn.

TBKTSG: Theo ông, việc tiếp tục tăng giá đồng nhân dân tệ cộng với áp lực đòi tăng lương của người lao động có khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển các nhà máy sang Việt Nam hay không?

– Đó là một xu hướng chắc chắn. Có thể không có sự gia tăng đột biến FDI của Trung Quốc ra nước ngoài nói chung, vào Việt Nam nói riêng trong thời gian trước mắt. Song, sự tăng mạnh về dài hạn của dòng vốn này là xu hướng cần được tính đến. Nguyên nhân tại sao thì chính câu hỏi đã đưa ra một số nét chính của câu trả lời.Việt Nam cần phải chú ý nhiều đến khía cạnh thách thức của xu hướng này. Nguy cơ tranh chấp nguồn lực, gia tăng tình trạng “tắc nghẽn” tăng trưởng, ô nhiễm môi trường, cạnh tranh sản phẩm và di chuyển lao động – là những nguy cơ đang nổi lên rất gay gắt trong những năm gần đây. Nếu Việt Nam không có các chính sách và giải pháp ứng phó thích hợp, dựa trên một tầm nhìn chiến lược thì những bất cập, xung đột và khó khăn trở nên gay gắt hơn là khó tránh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới