Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần tính lại thuế và bảo hiểm, không để người lao động thiệt thòi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần tính lại thuế và bảo hiểm, không để người lao động thiệt thòi

Ngô Việt Hòa

(TBKTSG) – Khi người lao động phải làm việc ở nhà thì chi phí họ phải tự bỏ ra sẽ nhiều hơn so với vào công ty làm việc; hay ít ra đường thì nguy cơ xảy ra tai nạn cũng giảm, đồng nghĩa với khả năng cơ quan bảo hiểm phải chi trả cho rủi ro này cũng giảm. Trong khó khăn do đại dịch, khoản chi phí này, tuy nhỏ, nhưng cũng nên tính lại cho người lao động.

Chuyện Úc, chuyện Mỹ

Theo cơ quan thuế Úc (ATO), những người làm việc ở nhà vì đại dịch Covid-19 sẽ được giảm trừ thu nhập tính thuế, tính khoán là 80 xu/giờ làm việc. Giả sử nếu bạn làm ở nhà một tháng (22 ngày/mỗi ngày 8 tiếng) thì số tiền được giảm trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trong một tháng sẽ là 80×8×22 bằng 140 đô la Úc.

Thuế thu nhập cá nhân ở Úc chắc cũng tính theo phương pháp bậc thang và do đó mức giảm khác nhau cho từng cá nhân khác nhau, nhưng với 140 đô la giảm trừ, giả sử đem nhân với mức thuế suất trung bình 30% chẳng hạn thì số tiền bạn được cơ quan thuế hoàn lại hoặc không thu do làm việc ở nhà một tháng sẽ là 42 đô la Úc.

Cơ quan thuế cho khấu trừ tiền làm việc ở nhà vì khi làm ở nhà thì thực tế bạn bị giảm thu nhập do tự bỏ chi phí cho Internet, tiền điện, tiền nước, tiền trà, cà phê và thậm chí cả tiền hao mòn tài sản cố định như bàn ghế, máy tính cá nhân. Các khoản này, như nói trên, được tính khoán 80 xu/giờ làm việc đối với bất kỳ người lao động nào cho dễ tính toán và áp dụng. Tất nhiên, nếu ai thấy chi phí làm ở nhà lớn hơn vì công việc họ đặc thù thì vẫn có thể đề nghị cơ quan thuế tính theo cách chi phí thực tế, không tính theo phương pháp khoán.

Khoản tiền giảm trừ vào thu nhập chịu thuế không lớn nhưng nó thể hiện cơ quan thuế rất sòng phẳng. Thu nhập thực tế của người lao động giảm do làm việc ở nhà vì họ phải tự bỏ một số chi phí thì cơ quan thuế tính toán khoản sụt giảm đó để tính thu nhập chịu thuế thực tế tương ứng. Cơ quan thuế không lạm thu. Và tất nhiên, cơ quan thuế cũng rất nhanh nhạy ra chính sách và áp dụng luôn trong thời điểm hầu hết người lao động đều phải làm việc ở nhà vì dịch Covid-19.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ nói chung cần tính toán làm sao để đảm bảo công bằng, sòng phẳng và hành xử minh bạch với người sử dụng dịch vụ trong bối cảnh dịch vụ mà họ cung cấp bị gián đoạn hoặc số lượng, chất lượng không đảm bảo như bình thường do đại dịch Covid-19. Tổ chức cung cấp dịch vụ không nên lẳng lặng hưởng lợi một cách không chính đáng hay lạm thu từ đại dịch.

Nói chuyện Úc xong lại nói qua chuyện ở Mỹ. Các công ty bảo hiểm xe hơi lớn của Mỹ cũng đã rục rịch trả lại một phần tiền bảo hiểm xe hơi cho khách hàng, bắt đầu từ tháng 3, và có thể kéo dài cho đến hết dịch Covid-19.

Tại sao họ lại trả lại một phần phí bảo hiểm? Lý do là bởi người dân, khách hàng không thể hoặc bị hạn chế đi lại vì lệnh cấm ra ngoài đường, cấm tụ họp do Covid 19 thì tỷ lệ tai nạn giảm đi một cách đáng kể và các công ty bảo hiểm do đó cũng giảm đáng kể số vụ và số tiền phải bồi thường.

Tiền bồi thường giảm nhiều thì việc các công ty bảo hiểm phải giảm phí hoặc trả lại một phần phí đã thu là công bằng với người đóng bảo hiểm. Ví dụ việc đi lại bằng ô tô ở một số bang ở Mỹ giảm đến 80% chẳng hạn, thì cũng phải tính toán mức giảm phí bảo hiểm sao cho tương ứng.

Các công ty bảo hiểm vừa đưa ra mức giảm ước tính 15-25% phí bảo hiểm cho thời gian khách hàng hạn chế đi lại trong dịch Covid-19 nhưng đã có nhiều ý kiến không đồng ý. Các hiệp hội đại diện cho quyền lợi người đóng bảo hiểm sẽ vào cuộc xem mức giảm có công bằng hay chưa.

Những câu chuyện trên cho thấy là các tổ chức, dù công hay tư, ở Úc và Mỹ rất sòng phẳng, phản ứng nhanh lẹ trong dịch bệnh khi xử lý quyền lợi tài chính của người dân. Họ cố gắng không lạm thu và không hưởng lợi không chính đáng trong bối cảnh đại dịch.

Và gợi ý cho Việt Nam

Các tổ chức ở Việt Nam, kể cả nhà nước hay khối tư nhân, đương nhiên cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ những câu chuyện trên trong việc tính toán giảm trừ, chia sẻ lại mà thực ra đúng hơn là tính toán sòng phẳng cho người dân, khách hàng của mình.

Cơ quan thuế Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn để áp dụng cách thức giảm thu nhập chịu thuế như đồng sự ở Úc, nhưng không phải là không có những cách thức khác để chia sẻ khó khăn với người đóng thuế trong giai đoạn hiện nay. Việc nhanh chóng áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới như đề xuất đã lâu (từ 9 triệu lên 11 triệu đồng cho người đóng thuế và từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc) cũng là một trong các cách đó.

Rồi chẳng hạn như câu chuyện đang nóng hiện nay là các trường tư thục thu học phí như thế nào trong cho thời gian học trực tuyến (online) của học sinh. Đại dịch Covid-19 là một sự kiện có thể chưa được dự liệu trong hợp đồng dịch vụ giáo dục mà các trường ký với phụ huynh, do đó cần có sự thỏa thuận lại về cách thức tính học phí và mức học phí cụ thể giữa nhà trường và phụ huynh. Trong thỏa thuận lại này, nhà trường cần tính đến các khoản giảm trừ cho dịch vụ mà học sinh, phụ huynh không sử dụng và các khoản mà nhà trường tiết kiệm được từ việc không sử dụng đó.

Các chi phí mà nhà trường có thể tiết kiệm được khi dạy học trực tuyến có thể bao gồm tiền điện, tiền nước, các chi phí liên quan đến vận hành, bảo trì cơ sở vật chất, tiền tổ chức sự kiện, tiền thiết bị dạy học, văn phòng phẩm cho nhân viên và trong một số trường hợp là tiền thuê mặt bằng vì bên cho thuê đồng ý giảm.

Nói rộng ra, các tổ chức cung cấp dịch vụ nói chung cần tính toán làm sao để đảm bảo công bằng, sòng phẳng và hành xử minh bạch với người sử dụng dịch vụ trong bối cảnh dịch vụ mà họ cung cấp bị gián đoạn hoặc số lượng, chất lượng không đảm bảo như bình thường do đại dịch Covid-19. Tổ chức cung cấp dịch vụ không nên lẳng lặng hưởng lợi một cách không chính đáng hay lạm thu từ đại dịch.

Và hơn tất cả khi mà pháp luật hay thỏa thuận của các bên chưa dự liệu được tình huống chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19 hiện nay thì cần hơn cả là tinh thần thực tâm hợp tác, thiện chí, hành xử tử tế của bên cung cấp dịch vụ đối với khách hàng của mình.

Có như thế thì khi những khó khăn, thử thách của đại dịch qua đi người ta mới nắm chặt tay nhau hơn trong con đường hợp tác dài lâu phía trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới