Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần xem lại việc quy định giá gạo xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần xem lại việc quy định giá gạo xuất khẩu

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Trong vòng 25 năm tới chúng ta vẫn đảm bảo được an ninh lương thực. Ảnh: Hữu Thắng 

(TBKTSG Online) – Theo điều 10 của Nghị định 12 “về xuất khẩu gạo các loại và lúa hàng hóa”, tôi nhận thấy có một số quy định về nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo cần phải được làm rõ. Cần phải giải thích rõ ràng và nhất quán hai nội dung: Thế nào là an ninh lương thực? Thế nào là tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân?

Theo những số liệu được nêu trong bài “Giải pháp đảm bảo an ninh lương thực” (Thời báo Kinh tế Sài Gòn), diện tích đất trồng lúa hiện nay khoảng 4 triệu héc ta, trong khi đó để đáp ứng nhu cầu lương thực vào năm 2035 cần 3 triệu héc ta. Chúng ta hoàn toàn có khả năng giữ đất làm lúa hai vụ trên 3 triệu héc ta vào năm 2035. Như vậy trong vòng 25 năm tới chúng ta vẫn đảm bảo được an ninh lương thực.

Một vấn đề khác được đề cập trong điều 10 của Nghị định 12 là giá gạo xuất khẩu phù hợp với mặt bằng giá cả trong nước, cũng cần phải nói rõ là những mặt hàng nào dùng để làm mặt bằng giá đối chiếu và cách đối chiếu ra sao? ấn định giá lúa dựa trên mặt bằng giá các mặt hàng đó theo nguyên tắc nào?

Hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được trao toàn quyền trong việc ấn định giá gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa trong nước (tức là ấn định thu nhập của nông dân), tạo ra sự bất hợp lý rất lớn về quyền lợi của nông dân và VFA. Biến nông dân chúng tôi – vốn là những người làm ra lúa gạo – thành kẻ phụ thuộc vào VFA.

Việc không giải thích rõ những vấn đề vừa nêu, theo tôi, cũng là nguyên nhân khiến cho giá gạo xuất khẩu rẻ, do VFA luôn nêu ra vấn đề an ninh lương thực và giá gạo xuất khẩu “phù hợp với mặt bằng giá cả trong nước” như lý do chính để ngừng xuất khẩu gạo khi giá gạo thế giới tăng.

Khi ngừng xuất khẩu thì giá gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa trong nước sẽ giảm. Việc ngừng xuất khẩu luôn gây hại cho nông dân, điển hình năm 2008 nông dân đã phải chịu thiệt hại khoảng 400 triệu đô la Mỹ. Thế nhưng khi nông dân phản ảnh thì VFA cho rằng họ đã thực hiện đúng nghị định của Chính phủ. 

Việc “tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân” cũng cần những giải thích rõ ràng. Tiêu thụ hết lúa hàng hóa nhưng với giá thấp nhất thế giới như hiện nay, liệu có chấp nhận được không? 

Giá lúa thế nào là giá có lợi cho nông dân? Hiện nay, việc ấn định mức lời 30% cho nông dân cũng cần phải xem lại. Phải nói cho rõ ràng, đó là mức lời tối thiểu mà Chính phủ muốn nông dân được hưởng, hay mức lời đó là mức giá Chính phủ cho phép VFA làm căn cứ để quy định giá sàn xuất khẩu gạo, và giá thu mua lúa cho nông dân.

Việc lời lỗ của nông dân, ngoài yếu tố giá thành còn phụ thuộc vào năng suất, lời 30% theo giá thành nhưng năng suất thấp nông dân vẫn lỗ. Như vụ hè thu năm nay, đa số nông dân ở Đồng Tháp sạ lúa thơm từ hòa đến lỗ dù giá lúa trên giá thành 30%.

Nếu mức lời 30% là mức lời tối thiểu thì tôi không có ý kiến, còn nếu mức lời 30% là căn cứ để VFA quy định giá sàn gạo xuất khẩu và định giá thu mua lúa của nông dân, thì nông dân chúng tôi không đồng tình.

Tôi xin nêu một thí dụ: giả sử VFA chỉ cần xuất khẩu gạo với giá 400 đô la Mỹ/ tấn thì đã có thể mua lúa cho nông dân lời đến 40%, thế nhưng giá gạo thế giới đang ở mức 500 đô la Mỹ/tấn, vậy VFA sẽ xuất khẩu gạo theo giá nào? Bán theo giá thị trường thế giới? Hay bán theo quy định lời 30%?

Vì những lý do vừa nêu, tôi nhận thấy, để giá xuất khẩu gạo có lợi cho nông dân, đề nghị nên sửa đổi nguyên tắc điều hành, từ “bảo đảm về an ninh lương thực; tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân, đồng thời phù hợp mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước” thành “tiêu thụ hết lúa hàng hóa theo đúng giá thị trường thế giới cho nông dân”.

Nhìn sang các nước lân cận, có thể thấy rằng chính sách xuất khẩu gạo của Chính phủ Thái Lan nhằm mục đích tăng thu nhập cho nông dân, chính sách xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ đặt nặng vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, thế nhưng, dù khác mục đích, việc xuất khẩu gạo của hai chính phủ này có những điểm chung là chính phủ trực tiếp thu mua lúa, có đủ kho để chứa lúa và luôn có một số lượng lúa tồn kho lớn trước khi ký hợp đồng xuất khẩu. Tôi nghĩ đây là vấn đề Việt Nam nên quan tâm nghiên cứu. 

Tóm lại, cơ chế xuất khẩu gạo của chúng ta hiện nay có quá nhiều yếu kém đã làm cho việc xuất khẩu gạo năm nào cũng lúng túng, thua thiệt. Hai năm nay, nông dân chúng tôi bán lúa ế ẩm có lúc không có người mua, hiện nay VFA phải cố gắng mua 400.000 tấn gạo để cứu nông dân.

Đã đến lúc cần phải có một cơ chế xuất khẩu gạo mà Chính phủ trực tiếp điều hành xuất khẩu và có đủ kho bãi chứa lúa. Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt việc bán gạo rẻ nhất thế giới. Nông dân chúng tôi mong chờ một cơ chế xuất khẩu gạo quan tâm đúng mức đến quyền lợi của chúng tôi.

Trích Điều 10 của Nghị định 12: Xuất khẩu gạo các loại và lúa hàng hoá

Thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đều được phép xuất khẩu gạo, lúa hàng hóa. Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, điều hành việc xuất khẩu gạo hàng năm theo nguyên tắc: bảo đảm về an ninh lương thực; tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân, đồng thời phù hợp mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý khi các nguyên tắc này không được bảo đảm hài hòa.

Đối với những hợp đồng xuất khẩu theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài (hợp đồng Chính phủ), Bộ Thương mại trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam để Hiệp hội thống nhất việc tổ chức giao dịch, ký kết hợp đồng và giao hàng.

Bộ Thương mại xây dựng quy chế để từng bước tổ chức đấu thầu thực hiện các hợp đồng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới